Hòa Bình tập trung phát triển công nghệ chế biến nông sản và thực phẩm

(PLVN) - Thông qua việc phát huy những tiềm năng thế mạnh, xây dựng vùng nguyên liệu và triển khai có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, đ ến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến, sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Thế mạnh về các vùng nguyên liệu

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Nông nghiệp Hòa Bình đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản. Theo đó, nền nông nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh Hòa Bình đạt được những kết quả đáng ghi nhận và phục vụ tốt cho việc tập trung vào phát triển công nghệ chế biến nông sản và thực phẩm.

Giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác trồng trọt tăng dần, năm 2021 là 135 triệu đồng/ha đến năm 2023 khoảng 185 triệu đồng/ha; giá trị sản phẩm chủ lực trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2024 bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; giá trị thu nhập từ rừng cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể:

Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm bình quân đạt trên 117 nghìn ha, trong đó cây lương thực có hạt bình quân đạt 71 nghìn ha, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 36 vạn tấn; giá trị sản phẩm trung bình trên đơn vị diện tích đất canh tác trồng trọt tăng dần đều hằng năm.

Về chăn nuôi, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 479.522 con lợn, 109.863 con trâu, 91.655 con bò và 8.886 nghìn con gia cầm. Có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300-3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái cung cấp khoảng 207 nghìn con giống/lứa, 517,5 nghìn con giống/năm, 44.680 con lợn thịt và hậu bị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.042 tấn/năm; 03 trang trại chăn nuôi quy mô 500-7000 con bò thịt và bò cái sinh sản, số con xuất chuồng là 12.750 con/năm, với sản lượng thịt hơi 7.018 tấn; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm.

Các hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Các hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có 2.693 ha và 4,89 nghìn lồng cá nuôi; sản lượng thủy sản bình quân đạt 12,17 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 220 triệu đồng/ha, trong đó nhóm sản phẩm đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...) đạt trên 250 triệu đồng/ha; có 09 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.

Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm, diện tích trồng rừng hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra; lâm nghiệp được phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; diện tích trồng rừng bình quân hằng năm đạt trên 8 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5%.

Đầu tư phát triển công nghệ chế biến nông sản và thực phẩm

Nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xây dựng và hướng đến phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm thu hút, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Cần biết rằng, các lâm trường trên địa bàn tỉnh Hòa bình hình thành, phát triển từ rất sớm. Từ năm 1967, nông trường Sông Bôi, Thanh Hà được thành lập. Nông trường tập trung trồng chè, mía đường, ngô... Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp của các nông, lâm trường đã lan tỏa tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn.

Hòa Bình tập trung phát triển công nghệ chế biến nông sản và thực phẩm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Hòa Bình tập trung phát triển công nghệ chế biến nông sản và thực phẩm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Ðể tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nhiều chính sách về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, chính sách phát triển làng nghề truyền thống.

Mục tiêu của tỉnh Hòa Bình là phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,5-5%/năm; tỷ lệ hàng hóa qua chế biết đạt 30%; cải tạo và nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông, lâm sản quy mô vừa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xu hướng xuất khẩu.

Với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giảm áp lực thời vụ, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Tỉnh Hòa Bình hiện đã xuất khẩu 5.580 quả Bưởi Đỏ (Tân Lạc) sang thị trường EU. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình hiện đã xuất khẩu 5.580 quả Bưởi Đỏ (Tân Lạc) sang thị trường EU. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Với những tiềm năng và thuận lợi, đến nay, toàn tỉnh thu hút được 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Trong đó, có 39 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 3 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đều là các dự án đầu tư trong nước.

Tỉnh Hòa Bình hiện nay đang duy trì 1.000 cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản và 500 cơ sở chế biến nông sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số nông sản được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết xuất khẩu, như: Chuối, thanh long, mía tím, nhãn, chè khô, măng, tinh bột sắn, gỗ. Năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… thu về 1.000 tỷ đồng.

Đọc thêm