Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lẫn nhau về vi phạm không phận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc quân đội của nhau liên tục xâm phạm không gian của nước họ.
Máy bay chiến đấu của Hy Lạp trong lễ duyệt binh nhân Ngày Độc lập ở Athens. Ảnh: AP
Máy bay chiến đấu của Hy Lạp trong lễ duyệt binh nhân Ngày Độc lập ở Athens. Ảnh: AP

Ngày 28/4, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nước thành viên NATO là Hy Lạp đã vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ "ba mươi lần trong ba ngày". Các cáo buộc được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố tương tự chống lại Ankara, rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện các chuyến bay trái phép trên một số hòn đảo lớn của Hy Lạp.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ cáo buộc và khẳng định rằng lực lượng không quân của Hy Lạp đã thực hiện “các chuyến bay khiêu khích” gần các thị trấn ven biển Didim, Datca và Dalaman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai nước có tranh chấp biên giới trên biển và trên không từ lâu trong bối cảnh các động thái thăm dò các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên tiềm năng dưới đáy biển.

Bất đồng đã dẫn đến các cuộc tuần tra và đánh chặn gần như hàng ngày của lực lượng không quân, chủ yếu là trong vùng trời tranh chấp xung quanh các hòn đảo của Hy Lạp gần bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Mitsotakis, Thủ tướng Hy Lạp cho biết đã liên lạc với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để báo cáo về những vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Mitsotakis nói: “Tôi đã nói rõ... Kiểu hành xử này của một đồng minh NATO ở sườn đông nam của liên minh là không thể chấp nhận được. Nó làm suy yếu an ninh của châu Âu cũng như sự thống nhất về mục đích của NATO".

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Athens cũng đã được Bộ Ngoại giao Hy Lạp triệu tập hôm 27/4 để nhận khiếu nại chính thức.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Hy Lạp "ngừng các hành động khiêu khích và lời lẽ" và ủng hộ các cuộc đàm phán được nối lại gần đây nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nước.

“Trong khi Hy Lạp là bên khơi mào và làm leo thang căng thẳng - cáo buộc đất nước của chúng tôi với những cáo buộc vô căn cứ là không phù hợp với chương trình nghị sự tích cực gần đây và mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, không có gì thay đổi trong thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc giải quyết tất cả các tranh chấp ở Aegean, bao gồm cả chiều rộng của không phận, trong khuôn khổ đối thoại chân thành, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul vào tháng trước sau khi xung đột Nga - Ukraine trở thành một chủ đề cấp bách giữa các đồng minh NATO.

Đọc thêm