Indonesia cấm sống thử trước khi kết hôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Quốc hội Indonesia đã thông qua Luật Hình sự mới có quy định cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân với mức phạt tù tối đa một năm. Luật mới cũng cấm hành vi sống thử với cặp đôi chưa kết hôn...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo CNN, bộ luật đã được các nghị sĩ trong Quốc hội Indonesia thông qua. Tuy nhiên, bộ luật sẽ chưa có hiệu lực trong ba năm để cho phép soạn thảo các quy định về việc thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Indonesia, Edward Omar Sharif Hiariej cho biết, Bộ luật Hình sự mới dự kiến được thông qua vào ngày 15/12 tới, được khẳng định phù hợp với các giá trị của Indonesia. Bộ luật mới, được áp dụng cho cả người Indonesia và người nước ngoài sống tại nước này, cũng sẽ cấm việc sống thử giữa các cặp đôi chưa kết hôn.

Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Indonesia Albert Aries cho biết với Bộ luật mới, chỉ một số chủ thể được phép tố cáo tội danh này, chẳng hạn cha mẹ, vợ/chồng hoặc con của những người bị tình nghi phạm tội. “Mục đích (của bộ luật mới) là bảo vệ thể chế hôn nhân và các giá trị của Indonesia, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của cộng đồng, phủ nhận việc các bên thứ ba tố cáo tội danh này hoặc 'đóng vai thẩm phán' nhân danh đạo đức”, ông nói.

Một dự thảo trước đó của Bộ luật cũng đã được đưa ra để thông qua vào năm 2019 nhưng vấp phải các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Trong những tháng gần đây, chính phủ Indonesia cũng tổ chức tham vấn người dân để cung cấp thông tin về những điểm sửa đổi. Một số sửa đổi đã được thực hiện trong dự thảo Bộ luật hình sự mới bao gồm điều khoản có thể cho phép giảm án tử hình thành tù chung thân sau 10 năm cải tạo tốt. Quy định hình sự hóa việc phá thai, ngoại trừ nạn nhân bị hãm hiếp, vẫn còn trong dự thảo Bộ luật.

Bộ luật Hình sự mới được thông qua với sự ủng hộ của tất cả các đảng phái chính trị của Indonesia. Tuy nhiên có rất nhiều ý kiến trái chiều đối với bộ luật này. Theo đó, một số người cho rằng, các luật mới có thể được sử dụng để kiểm soát đạo đức ở quốc gia có đa số người Hồi giáo lớn nhất thế giới, nơi đã chứng kiến sự gia tăng chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo những năm gần đây.

Ông Maulana Yusran, Phó Chủ tịch Hội đồng Du lịch Indonesia, nhận định, luật mới “hoàn toàn phản tác dụng” vào thời điểm nền kinh tế và du lịch đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Khách sạn hay bất kỳ cơ sở lưu trú nào cũng giống như ngôi nhà thứ hai của khách du lịch. Với việc phê chuẩn bộ luật hình sự này, các khách sạn hiện là nơi có vấn đề”, ông nói.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Indonesia khẳng định, việc thông qua bộ luật hình sự mới là cần thiết. Ông Bambang Wuryanto, Chủ tịch một ủy ban Quốc hội phụ trách sửa đổi bộ luật hình sự, nói: “Bộ luật cũ thuộc về di sản của Hà Lan (Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan) và hiện không còn phù hợp”.

Những người phản đối luật mới đã nhấn mạnh các điều khoản mà họ cho là thụt lùi về mặt xã hội, hạn chế quyền tự do ngôn luận và thể hiện sự thất bại trong việc đảm bảo duy trì các quyền tự do dân chủ sau sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Suharto năm 1998.

Đáp lại những lời chỉ trích, Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly nói trước Quốc hội: “Không dễ để một quốc gia đa văn hóa và đa sắc tộc đưa ra một bộ luật hình sự có thể đáp ứng mọi lợi ích”.

Ngoài ra, một số chuyên gia pháp lý nói rằng, một điều khoản trong bộ luật về luật tục có thể củng cố các quy định pháp luật mang tính phân biệt đối xử, gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với cộng đồng LGBT.

Bà Bivitri Susanti, công tác ở Trường Luật Jentera của Indonesia, nói: “Các quy định không phù hợp với nguyên tắc nhân quyền sẽ xảy ra ở những khu vực bảo thủ”. Bà ngụ ý rằng, khi Bộ luật Hình sự mới, cụ thể là các lệnh cấm mới được áp dụng, một số khu vực sẽ đưa ra các quy định mới nghiêm khắc hơn, như áp đặt lệnh giới nghiêm với phụ nữ, trừng phạt những người mà họ cho là có xu hướng tình dục lệch lạc. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự mới đem lại những bản án khoan dung hơn cho người bị buộc tội tham nhũng.

Bộ luật Hình sự mới cũng bao gồm các lệnh cấm ma thuật đen, xúc phạm tổng thống hoặc các tổ chức nhà nước, truyền bá quan điểm chống lại hệ tư tưởng nhà nước và tổ chức các cuộc biểu tình mà không thông báo.

Trong Bộ luật Hình sự mới, nội dung phòng chống xúc phạm, báng bổ đã tăng từ “một lên sáu điều khoản” và người phạm luật có thể lĩnh án tù tới 5 năm. Một nhà hoạt động xã hội nói: “Việc khôi phục các điều khoản cấm xúc phạm Tổng thống và Phó tổng thống, chính phủ đương nhiệm cũng như các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục tạo ra hiệu ứng rõ rệt đối với quyền tự do ngôn luận và hình sự hóa những lời chỉ trích hợp pháp”.