IPU - 132 ra Tuyên bố Hà Nội: Quyền con người là trung tâm

(PLO) - Tại kỳ họp thứ 132 của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) diễn ra tại Hà Nội, các nghị sĩ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực đã cam kết làm hết sức mình để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đang xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU và Tổng thư ký IPU tại buổi họp báo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU và Tổng thư ký IPU tại buổi họp báo.
Thông qua nhiều văn kiện quan trọng
Trong ngày làm việc cuối cùng 1/4, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, Đại hội đồng (ĐHĐ) IPU đã thông qua tất cả 4 dự thảo nghị quyết đã được các Ủy ban thường trực của IPU-132 thông qua trước đó.
Các dự thảo nghị quyết này bao gồm: “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”; “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về nước”; “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người” và Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp “Vai trò của Nghị viện trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố của các tổ chức như Daesh và Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”. 
Sáng cùng ngày, Hội đồng điều hành IPU-132 cũng đã thảo luận và thông qua dự thảo các nghị quyết về nhân quyền của các nghị sỹ, bỏ phiếu bầu Chủ tịch Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền mới và nghe báo cáo về kết quả của các cuộc họp chuyên môn.
Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền cũng tiến hành thảo luận chuyên đề về nghị quyết tiếp theo “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản” dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Đại hội đồng IPU-133.
Trong phiên họp diễn ra chiều 1/4, ĐHĐ IPU cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, trong đó khẳng định lại tầm nhìn của các nghị viện thành viên về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo tất cả các quyền con người; xoá nghèo dưới mọi hình thức và xóa bỏ bất bình đẳng; trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ.
Tuyên bố nhấn mạnh, các quốc gia phải tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế để đảm bảo hoà bình và an ninh quốc tế.
Tuyên bố cũng khẳng định xóa đói nghèo và phát triển bền vững là trách nhiệm chung, đòi hỏi các thành viên cố gắng điều phối nguồn lực tốt hơn và công bằng hơn. Các nước thành viên cam kết biến lời nói thành hành động, nỗ lực hết mình để nội luật hóa, đưa ra các đạo luật, chính sách để đảo bảm thực thi các nghị quyết đã được thông qua tại IPU tại các nước thành viên nhằm đảm bảo hoàn tất các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, các nước phát triển cần hợp tác để xây dựng một mô hình chung về tăng trưởng bền vững và toàn diện.
“Dấu mốc của IPU”
Tại họp báo quốc tế về các hoạt động của IPU diễn ra chiều 1/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với tư cách là Chủ tịch IPU-132 khẳng định các hoạt động của IPU-132 đều diễn ra suôn sẻ, đúng trình tự, tiến độ thủ tục trong tinh thần đoàn kết hữu nghị và đầy trách nhiệm.
Chủ đề của phiên họp “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” là nội dung hết sức quan trọng, thiết thực, nhận được nhất trí cao của tất cả các lãnh đạo nghị viện, các nghị sĩ, khách mời của IPU-132.
Các đại biểu đã đóng góp tích cực, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về chủ đề và trong các văn bản, văn kiện khác của IPU-132. 
Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định, IPU-132 đã đáp ứng được kỳ vọng của ĐHĐ về các nội dung thảo luận, tổ chức. Ông Chowdhury nhấn mạnh sự khác biệt giữa kỳ IPU-132 và các kỳ họp lần trước: các kỳ họp trước chú trọng về miêu tả, còn ĐHĐ lần này đã tạo ra được các cách tiếp cận mới, thể hiện một xu hướng mới: tập trung vào giải pháp hơn là xác định vấn đề.
Mỗi dự thảo nghị quyết hay các chủ đề được đưa ra tại các cuộc họp đều tập trung vào chủ đề chính, với mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân, trên cương vị là đại diện của người dân.
Ông Chowdhury cho rằng, sau 10 năm nữa, Hà Nội sẽ được nhìn nhận là dấu mốc, nơi nhận thức được thay đổi, cách tiếp cận được thay đổi, trong đó người dân luôn được đặt ở trung tâm, các nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an ninh, riêng tư đều vì người dân.
Nhìn nhận về Tuyên bố Hà Nội, ông Chowdhury nói rằng, Tuyên bố ghi đậm dấu ấn Hà Nội do Dự thảo được Quốc hội Việt Nam đề xuất, được thông qua tại Hà Nội và là di sản đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới.
Văn kiện này sẽ được trình tại Hội nghị của các nhà lãnh đạo IPU tại New York và tại ĐHĐ Liên Hợp quốc, góp phần định hướng chương trình nghị sự sau 2015 và góp phần giúp Liên Hợp quốc định hình các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Chowdhury một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam đã tạo ra các tiêu chuẩn mới cho những người tổ chức IPU trong những năm tiếp theo./.

Đọc thêm