Iran: Những dấu hỏi sau tình trạng bạo loạn

(PLO) - Iran ngày 31/12 đã cảnh báo chính quyền sẽ áp dụng biện pháp trấn áp với các cuộc biểu tình trong bối cảnh lực lượng này đang đặt ra những thách thức quyền lực lớn nhất đối với cả chính phủ và giới lãnh đạo tăng lữ kể từ cuộc cách mạng năm 1979 và sau đó là cuộc bạo động hồi năm 2009 gây rúng động quốc gia Hồi giáo này. 
Đã có 200 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình vào đêm 30/12 tại thủ đô của Iran
Đã có 200 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình vào đêm 30/12 tại thủ đô của Iran

Kể từ hôm 30/12, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình với quy mô lớn nhất kể từ cuộc bạo động hồi năm 2009, sau khi Tổng thống Iran khi ấy là Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi. Người biểu tình trút tức giận vào việc tăng giá cả hàng hóa, đề xuất tăng giá xăng dầu cho ngân sách năm 2018, tình trạng thất nghiệp cao và thua lỗ từ các khoản đầu tư tài chính và tín dụng không hiệu quả. Những phản đối dần chuyển thành kêu gọi lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei từ chức. 

Kiềm chế

Mặc dù giới chức Iran đã đe dọa có biện pháp mạnh tay nhưng trên thực tế đã tỏ ra kiềm chế. Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đã có các cuộc họp khẩn và quyết định chặn các trang mạng xã hội, các phần mềm ứng dụng gửi tin nhắn để cản trở sự trao đổi thông tin và phát tán những lời kích động biểu tình. Iran vẫn chưa quyết định điều động các lực lượng vệ binh cách mạng tinh nhuệ, lực lượng dân quân Basij và lực lượng an ninh mặc thường phục vốn đã “dẹp” loạn năm 2009. 

Trong các cuộc biểu tình vừa qua, người dân Iran muốn được trả lương cao hơn, nhiều người cũng đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của chính sách đối ngoại Iran trong khu vực Trung Đông nơi mà Tehran đã can thiệp ở Syria và Iraq trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với đối địch Saudi Arabia. Hỗ trợ tài chính của Tehran cho Palestine và nhóm Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shi’ite của Liban cũng làm người dân Iran tức giận, bởi họ muốn chính phủ tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề trong nước trước tiên. Tuy nhiên, khác với cuộc bạo loạn 2009, điều gây lo ngại hơn cho chính quyền Iran là cuộc biểu tình này dường như mang tính tự phát và không có một thủ lĩnh rõ ràng nào. 

Trong vòng 10 năm qua, Iran đã trải qua các cuộc biểu tình nhỏ lẻ nhằm phản đối tình hình kinh tế khó khăn hoặc đối với các cuộc khủng hoảng về môi trường và một cuộc bạo loạn chính trị diễn ra trên cả nước hồi năm 2009 nhằm phản đối các cáo buộc gian lận bầu cử. Tuy nhiên, một cuộc nổi dậy rộng khắp phản đối các vấn đề kinh tế và chính trị sẽ khiến quốc gia Hồi giáo này phải lo ngại và sẽ khó khăn hơn để có thể ngăn chặn. Thủ lĩnh Tối cao Iran đã kiểm soát cuộc bạo loạn 2009, vốn xảy ra cùng với “Mùa Xuân Arập” trong khu vực, sau khi bắt giam các thủ lĩnh đối lập.

Tuy nhiên, làn sóng biểu tình mới này ở Iran dường như không được dàn xếp bởi bất kỳ lực lượng nào. Điều này có thể khiến các cuộc biểu tình mới này là mối đe dọa lớn hơn so với vụ bạo loạn năm 2009 khi mà Iran vốn coi cuộc cách mạng 1979 là một cuộc nổi dậy của tầng lớp người nghèo chống lại sự đàn áp và bị bóc lột. Đó là lý do vì sao những lời kêu gọi của người biểu tình yêu cầu chấm dứt tình trạng kinh tế khó khăn lại mang thông điệp đặc biệt nhạy cảm như vậy. 

Kinh tế tồi tệ hơn?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới trong năm 2015, theo đó Iran giảm bớt chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được dỡ bỏ gần hết các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người Iran vẫn chưa được chứng kiến bất kỳ lợi ích nào mà thỏa thuận này mang lại. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 12,4% trong năm tài chính hiện nay, theo Trung tâm Thống kê của Iran, tăng 1,4 điểm so với năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên đã chạm mốc 28,8% trong năm nay. 

Tuy vậy, các chỉ số kinh tế đã được cải thiện dưới thời chính phủ Rouhani, và nền kinh tế không còn ở trong tình trạng tê liệt như trước nữa. Lần đầu tiên sau 1/4 thế kỷ, lạm phát đã giảm xuống chỉ còn một con số vào tháng 6/2016; tăng trưởng GDP đã lên tới 12,5% trong năm tài khóa tính đến ngày 20/3/2017, mặc dù phần lớn là nhờ xuất khẩu dầu tăng vọt. Tuy nhiên, đối với phần đông thanh niên Iran, tăng trưởng vẫn khá chậm. Theo họ, sự phục hồi của Iran diễn ra chậm chạp là do tác động của tình trạng căng thẳng với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu khả năng các biện pháp trừng phạt có thể được tái áp đặt hoặc Iran sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt mới. 

Theo hãng tin AFP, ngày 31/12, Tổng thống Iran Rouhani cho biết các cơ quan công quyền nước này cần cung cấp “không gian cho sự chỉ trích” trong bối cảnh ông tìm cách ngăn chặn chuỗi ngày bất ổn ở quốc gia Hồi giáo này, song cảnh báo những người biểu tình rằng hành động bạo lực là không thể chấp nhận.

Trong một cuộc họp nội các, ông Rouhani nói: “Sự chỉ trích khác với bạo lực và phá hủy tài sản công cộng. Các cơ quan công quyền nên cung cấp không gian cho sự chỉ trích và biểu tình một cách hợp pháp”. Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông Rouhani kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 28/12 vừa qua. Trước đó, hãng thông tấn bán chính thức ILNA của Iran dẫn lời Phó Thị trưởng phụ trách an ninh của Tehran, ông Ali Asghar Nasserbakht, cho hay 200 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình vào đêm 30/12 tại thủ đô của Iran...

Đọc thêm