Các cải cách đối với hệ thống tư pháp của Italy nằm trong một số yêu cầu mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Italy để nhận được hàng tỷ euro tiền quỹ phục hồi đại dịch.
Trong vài thập kỷ qua, những người đã thúc đẩy cải cách các quy tắc cho thẩm phán có ông Silvio Berlusconi, cựu thủ tướng trung hữu. Ông cho rằng các công tố viên thiên tả đã nhắm mục tiêu vào ông và đế chế truyền thông của ông để gây thiệt hại về mặt chính trị cho ông.
Tại cuộc họp Nội các hôm 11/2, Chính phủ đã quyết định các biện pháp khác nhau để hạn chế việc các thẩm phán chuyển đổi qua lại giữa vai trò tư pháp và chính trị của họ, cả ở cấp quốc gia và địa phương.
Theo các biện pháp này, các thẩm phán không được ứng cử vào chức vụ dân cử ở các khu vực nơi họ từng là thẩm phán hoặc công tố viên trong ba năm trước đó. Nếu họ được bầu vào một chức vụ dân cử thì sau khi chức vụ chính trị của họ kết thúc, họ sẽ không thể tham gia phục vụ trong lĩnh vực tư pháp nữa. Đồng nghĩa với việc Bộ Tư pháp giao họ cho các công việc hành chính.
Đối với những thẩm phán tranh cử chức vụ chính trị nhưng không được bầu, phải qua ba năm trước khi họ có thể làm việc lại trong lĩnh vực tư pháp.
Bộ trưởng Tư pháp Italy Marta Cartabia nói với các phóng viên sau cuộc họp Nội các, cải cách này nhằm chấm dứt việc "các thẩm phán dùng "cửa quay vòng" để đảm nhận chức vụ chính trị".
Ở Italy, công việc thẩm phán đã không hiếm khi đóng vai trò là "bàn đạp" để một người dấn thân vào chính trị.