Trên thực tế, những năm qua tại địa bàn Tây Nguyên có không ít vụ kẻ gian phá hoại nông sản. Nhưng việc truy tìm thủ phạm gặp nhiều khó khăn vì dấu vết hiện trường thường rất ít.
Một đêm mất trắng trăm triệu
Vẻ buồn rầu, anh Phan Thanh Hà (47 tuổi, ngụ thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) vừa thu gom hơn 1,5 tấn sầu riêng non rơi rụng trong vườn, vừa xót xa kể lại chuyện mình bị kẻ xấu triệt hạ về kinh tế.
Anh cho biết gia đình mình có hơn một ha đất rẫy trồng sầu riêng xen canh với cây cà phê. Vườn cây ăn quả có tuổi thọ bảy năm này đang cho vụ thu hoạch đỉnh điểm. Không ngờ, chỉ trong một đêm, bao nhiêu công sức của gia đình anh đều “đổ sông đổ bể”.
Theo đó, vào khoảng 9h sáng 17/7, anh Hà cùng vợ vào thăm rẫy (cách nhà khoảng 1km) như thường lệ. Khi vào đến lô rẫy của mình, vợ chồng anh tá hỏa phát hiện hàng trăm quả sầu riêng non bị cắt rơi đầy gốc.
Ban đầu mọi người nhận định đây là vụ trộm vì cuống sầu riêng còn chảy nhựa. Tuy nhiên, khi suy nghĩ lại, họ nhận thấy sầu riêng còn non, chưa thể bán được, nên mới suy đoán đây là hành động phá hoại nhằm trả thù cá nhân.
Anh Hà bức xúc: “Vợ chồng tôi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong thời gian gần chục năm mới gây dựng được vườn trái cây trĩu quả. Năm nay, sầu riêng được mùa, được giá, nhưng vườn của tôi trái còn non, dự tính khoảng một tháng nữa mới thu hoạch được.
Do bận con cái, vợ chồng tôi chưa kịp chuyển ra ở ngoài chòi canh giữ được thì bị kẻ gian rắp tâm phá hoại. Họ cắt bỏ hàng trăm quả non, nhiều khả năng chỉ để trả thù cá nhân”.
Chị Nguyễn Thị Giang (42 tuổi, vợ anh Hà) thông tin thêm, gia đình chị đã vào định cư tại thôn Phước Thịnh hơn hai chục năm qua. Một thời gian dài, gia đình chị sống hòa đồng với mọi người, chưa làm mất lòng ai. Nhưng gần đây có xảy ra xích mích với một người trong thôn.
“Nhiều khả năng người ta giận vợ chồng tôi nên phá cho bõ tức. Tôi nghĩ trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dung hòa tất cả các mối quan hệ, đôi lúc cũng xảy ra mâu thuẫn với người này người kia. Tuy nhiên, giận nhau thì nói cho biết đúng sai, chứ hành động phá hoại như này thì ác ý quá”, chị Giang chia sẻ.
Chị bức xúc cho biết, ước tính vụ phá hoại đã gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Công sức cả gia đình bao nhiêu năm thành công cốc.
Tiếp lời vợ, anh Hà cho biết thêm, hàng chục năm nay ở địa phương chưa có vụ việc nào tương tự như trên xảy ra. Những vụ mùa trước, khi sầu riêng bắt đầu chín tới, anh thuê thêm nhân công cùng mình ra túc trực tại vườn, canh giữ ngày đêm để chờ bán cho thương lái.
Hiện tại vợ chồng anh có tổng cộng 92 cây sầu riêng, trồng xen canh trong đất rẫy cà phê. Mỗi năm, vườn sầu riêng của anh cho sản lượng bình quân khoảng 17 đến 18 tấn. Nếu so sánh với giá sầu riêng như thời điểm hiện tại trên thị trường (45 ngàn/kg), gia đình anh chị thu gần 1 tỷ đồng/năm.
Trong buổi trao đổi với XLPL về vụ việc trên, Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk cho biết, cơ quan này đang khẩn trương điều tra nguyên nhân, tìm ra thủ phạm đã phá hoại gần 1,5 tấn sầu riêng non của hộ anh Hà để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Ngay sau khi nhận trình báo của người dân, chúng tôi đã cử lực lượng xuống hiện trường. Điều tra viên đã nắm được nguyên nhân cơ bản để lên kế hoạch điều tra. Theo đó, nhiều khả năng động cơ của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, định giá tài sản có thể khởi tố vụ án”.
Vấn nạn phá hoại nông sản
Theo tìm hiểu của XLPL, những năm vừa qua, trên địa bàn Tây Nguyên, có không ít vụ việc nông dân bị triệt hạ kinh tế chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống.
Điển hình, sáng 4/3/2015, vợ chồng bà Phạm Thị Thim (ngụ xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, Đắk Nông) vào rẫy đi làm, phát hiện gần 100 trụ tiêu của gia đình bị cắt ngang phần gốc. Ước tính thiệt hại lên đến 300 triệu.
Trước đó, vào tháng 11 và tháng 12/2014, đối tượng lạ cũng đã vào rẫy tiêu của bà, dùng dao cắt bỏ 400 gốc tiêu. Sau ba lần bị kẻ gian hãm hại, gia đình bà Thim ước tính phải chịu thiệt hại hơn một tỷ đồng.
Đầu năm 2016, nhiều hộ dân tại xã Tân Hòa và xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị kẻ gian lẻn vào vườn, phá hoại hàng trăm trụ tiêu, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngoài việc phá hoại để trả thù cá nhân, những năm gần đây, cây hồ tiêu luôn được giá. Chính điều này khiến rất nhiều người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thế nhưng, giống hồ tiêu rất đắt (từ 20-30 ngàn/cây giống). Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ nông dân phải khóc ròng vì bị kẻ gian trộm tiêu giống sau khi trồng.
Trong năm 2016, tại địa bàn xã Ea K’Pam (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) đã xảy ra hàng loạt vụ trộm tiêu giống. Chỉ trong vòng một đêm, kẻ gian đã lẻn vào rẫy của ông Nguyễn Thanh Tương (60 tuổi, ngụ thôn 4, xã Ea Kpam) nhổ trộm hơn 210 dây tiêu. Ngoài ra, hộ ông Nguyễn Duy Chiến (39 tuổi, ngụ tại thôn 3), ông Lê Văn Mai (45 tuổi, ngụ thôn 4) cũng bị “tiêu tặc” vào vườn phá hoại, nhổ trộm.
Trở lại với cây sầu riêng, những năm qua, cây này luôn là loại nông sản “nóng” trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Trước đây, đã có không ít vụ “lùm xùm” về chuyện các thương lái giành nhau địa bàn để thu mua sầu riêng tại tỉnh này.
Cụ thể, vào đêm 12/9/2015, một số đối tượng đã ném “bom xăng” vào khu trọ tập thể của 36 công nhân, thuộc cơ sở thu mua sầu riêng Minh Tâm.
Hậu quả, khu trọ bùng cháy dữ dội, thiêu rụi toàn bộ vật dụng cùng đồ đạc trong phòng, rất may không có thiệt hại về người. Sau khi xảy ra vụ việc, chủ cơ sở này cho biết, người làm của mình đã nhiều lần bị “đối thủ” đe dọa nhằm độc chiếm việc thu mua sầu riêng.
Chia sẻ về những thiệt hại khi bị kẻ gian phá hoại cây trồng, anh Hà ngao ngán: “Không có gì đau xót, uất ức bằng việc người khác đạp đổ chén cơm ngay trước miệng mình. Vườn sầu riêng là cơm áo, là nguồn thu chính của gia đình tôi. Nay bị phá, thiệt hại hàng trăm triệu, không những vợ chồng tôi mà con cái cũng phải chịu khổ lây theo bố mẹ”.