Ngày nay, dẫu pháp điển hóa được quan niệm là tập hợp, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo từng ngành luật, hay từng lĩnh vực, mà thực chất là quá trình nhằm loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo không phù hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện để hình thành những bộ pháp điển theo từng ngành luật, từng lĩnh vực theo nhu cầu quản lý nhà nước hoặc đòi hỏi của thực tiễn áp dụng pháp luật. Hay theo quan niệm của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, pháp điển hóa là xây dựng, ban hành các bộ luật trên cơ sở kết hợp giữa việc chọn lọc các quy phạm pháp luật trong các văn bản luật đã ban hành trước đó (có chỉnh lý, hoàn thiện, nâng cao) với việc đặt ra các quy phạm pháp luật mới thành các bộ luật thì xét về phương diện kỹ thuật pháp điển hóa trong Bộ luật Hồng Đức đều có thể rút ra những giá trị tích cực phục vụ cho việc hoàn thiện kỹ thuật lập pháp ở nước ta hiện nay.
Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hệ thống pháp luật nước ta đã phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội về cơ bản đã có luật điều chỉnh, nhiều bộ luật đồ sộ đã ra đời. Tuy nhiên, vì phải khẩn trương đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn nên hệ thống pháp luật mới chú trọng phát triển theo chiều rộng (nhiều về số lượng để đảm bảo đủ luật trên các lĩnh vực) mà chưa chú trọng nhiều theo chiều sâu (đảm bảo chất lượng).
Vì vậy, nâng cao kỹ thuật lập pháp để có những bộ luật, đạo luật thực sự trở thành rường cột, ổn định lâu dài, đủ sức đảm đương vai trò là phương tiện hàng đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực là nhiệm vụ không kém phần quan trọng hiện nay. Trong điều kiện đó, việc nghiên cứu, tìm kiếm các giá trị về kỹ thuật pháp điển hóa của Bộ luật Hồng Đức để có thể kế thừa và phát triển trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có ý nghĩa thiết thực.
Từ sự phân tích các giá trị về kỹ thuật pháp điển hóa của Bộ luật Hồng Đức viết ở trên, có thể rút ra một số bài học cho công tác pháp điển hóa, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp sau đây:
Một là, pháp luật của nước ta hiện nay trên cùng một lĩnh vực của các quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng rất nhiều văn bản pháp luật đơn hành bao gồm từ các đạo luật, bộ luật, pháp lệnh đến rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Điều đó không tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo và rất khó khăn trong thực hiện và áp dụng pháp luật. Vì vậy, nên chăng theo kinh nghiệm của Bộ luật Hồng Đức cần phải pháp điển hóa thành bộ tổng luật chứa đựng trong đó nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau.
Từ các quy định thuộc luật kinh tế, dân sự, lao động,… đến các quy định thuộc luật hành chính, hình sự điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất. Trong quá trình đó, vừa căn chỉnh loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo không phù hợp và bổ sung những quy định mới. Hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay cần kế thừa và phát triển kinh nghiệm này của Bộ luật Hồng Đức để có những bộ luật lớn có tính chất tổng luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội gần gũi nhau trong một lĩnh vực, hạn chế việc ban hành các đạo luật đơn hành có phạm vi điều chỉnh hẹp như kỹ thuật lập pháp hiện nay.
Hai là, một đặc điểm khá phổ biến trong lập pháp hiện nay ở nước ta là trong các điều luật chỉ là các quy định mang tính nguyên tắc, mà không có chế tài gắn liền với các quy định đó. Chế tài thường là các quy định trách nhiệm chung chung, phải xem và vận dụng ở một văn bản khác. Chính vì chế tài không gắn liền với một quy định trong một quy phạm pháp luật nên pháp luật vừa thiếu cụ thể, vừa khó khăn trong việc áp dụng, hạn chế tính bắt buộc chung của pháp luật.
Ngược lại, các điều luật trong Bộ luật Hồng Đức, chế tài bao giờ cũng gắn chặt với quy định ngay trong một điều luật, đó có thể là chế tài hình sự, hành chính hay chế tài dân sự, hôn nhân gia đình. Kỹ thuật lập pháp này vừa làm cho các điều luật rất rõ ràng, minh bạch và cụ thể, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật, lại vừa làm cho các quy định pháp luật có hiệu lực thực thi rất cao trong đời sống nhà nước và xã hội. Kỹ thuật lập pháp này càng cần được kế thừa và phát triển trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay.
Ba là, hoạt động pháp điển hóa không chỉ là quá trình hệ thống hóa, tập hợp hóa để loại bỏ những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp, bổ sung, nâng cấp những điều luật đã có và đặt ra các quy phạm pháp luật mới mà trong quá trình đó còn phải tìm kiếm các giá trị mới mà xã hội có, xã hội cần, xã hội ủng hộ để kịp thời thể chế hóa.
Theo kinh nghiệm pháp điển hóa của Bộ luật Hồng Đức, đó là các giá trị trong đạo đức, tập quán truyền thống trong hương ước làng xã,… Những giá trị này được kịp thời thể hóa thành luật làm cho luật sẽ dễ đi vào cuộc sống, trở thành thói quen, thành sức mạnh bắt buộc chung của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì thế, đây là kinh nghiệm cần được kế thừa trong quá trình lập pháp hiện nay của nước ta.
Bốn là, các điều luật trong pháp luật nước ta còn rất dài dòng, thiếu chi tiết, cụ thể, vừa trừu tượng lại vừa thiếu tính bao quát nên rất khó nhớ, khó thực hiện. Bộ luật Hồng Đức là mẫu mực của các quy định, vừa cụ thể, chi tiết, vừa đủ bao quát nên rất dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống, hiệu lực thực thi lâu dài. Vì thế, xét về phương diện kỹ thuật thể hiện cần phải kế thừa kinh nghiệm quý báu này trong hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay.