Tiếp theo sau nhà Lý là các triều đại nhà Trần gần 200 năm (1226-1400) với Hình Luật thư do Vua Trần Dụ Tông đời vua thứ 7 ra chỉ dụ soạn thảo. Kế tiếp là nhà Lê với 300 năm, trong đó thời Lê Sơ 100 năm (1428-1527) được xem là thời kỳ toàn thịnh với sự ra đời Quốc triều hình Luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức gắn liền với tên tuổi của Vua Lê Thánh Tông (1470-1497). Rồi đến nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử dân tộc về danh nghĩa kéo dài 150 năm (1802-1945) có Hoàng việt Luật lệ hay gọi là Bộ luật Gia Long.
Như vậy, trong thời kỳ phong kiến ở nước ta có 4 bộ luật thành văn, Hình thư của nhà Lý, Hình luật của nhà Trần, Quốc triều hình luật của nhà Lê và Hoàng việt Luật lệ của nhà Nguyễn. Mặc dù ở mỗi triều đại, việc thực thi Vương quyền trong những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau nhưng ở các triều đại này theo cách của mình đều đã tiến hành “San định Luật lệ cho thích dụng với thời thế” (hay nói như ngày nay là pháp điển hóa) để cho mọi người dễ hiểu “dân đều lấy làm tiện”.
Đánh giá nội dung cũng như kỹ thuật “San định Luật lệ” (của các Bộ luật thời kỳ phong kiến) là công việc không đơn giản. Bởi các bộ luật này ra đời trong những điều kiện chính trị xã hội khác nhau, nên tính chất, đặc trưng của chúng cũng khác nhau.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tất cả các bộ luật trên đều là kết quả của một quá trình pháp điển hóa công phu và về mặt lập pháp đều đạt trình độ cao. Trong đó Quốc triều hình Luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức là công trình pháp điển hóa nổi tiếng nhất, mẫu mực nhất gắn liền với công lao của Vua Lê Thánh Tông; được người xưa cũng như thế giới đương đại đánh giá cao. Đây được xem là niềm tự hào về một trong những thành tựu đặc sắc nhất của nền văn hóa pháp lý Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.
Phan Huy Chú (sinh năm 1782 vào những năm cuối triều Lê) với một tầm hiểu biết sâu rộng, uyên bác về mọi mặt đời sống xã hội đã viết nên Bộ Bách Khoa toàn thư đầu tiên ở Việt Nam: Lịch triều Hiến chương loại chí. Trong Bộ Bách Khoa thư đó đã đưa ra một nhận xét rất đáng tin cậy rằng: “Nước Việt ta các triều dựng nước đều định hình Chương: Nhà Lý có ban hành Hình thư, nhà Trần có định Hình luật đều đã tham chước xưa nay để nêu thành phép tắc lâu dài. Nhưng hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng; hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc, nhẹ nặng không đúng mức đều chưa gọi là phép nước được.
Đến khi nhà Lê dựng nghiệp mới sửa định lại. Hình luật đời Hồng Đức tham dụng các đời Tùy, Đường, xử lý có những điều nhất định, nặng nhẹ có những mức cao thấp, các đời tuân theo, dùng làm phép sẵn, dù các điều mục lặt vặt có thêm bớt, nhưng đại cương chế độ bao giờ cũng vẫn theo đó, thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân... hình pháp thì có 5 bậc, Luật văn thì có hơn 700 điều”.
Một ví dụ khác, ông vua đầu tiên của triều Nguyễn - Gia Long (cùng với thời Phan Huy Chú) với gần 20 năm trị vì ngôi vua đã ra lệnh đình thần biên soạn một bộ luật với chỉ lệnh “giờ xem hình Luật mà các triều đại trước của nước Việt ta, mỗi triều đại thành lập từ Lý, Trần, Lê đều có pháp chế riêng cho mỗi triều đại mà đầy đủ hơn cả là Bộ luật Hồng Đức (đời Lê)...
Mỗi triều đại các sách về Luật đều có sửa đổi mà đầy đủ nhất là Luật triều đại Thanh. Thế nên, ta ra lệnh cho triều thần lấy luật lệ của các triều đại nước ta làm căn cứ, tham chiếu Luật Hồng Đức và Luật Thanh Triều, rút lấy, thêm bớt, cân nhắc, biên tập thành bộ luật tiện dụng”. Rõ ràng, Vua Gia Long không còn chỉ dụ chung chung mà chỉ đích danh Bộ luật Hồng Đức và xem là bộ luật đầy đủ nhất.
Nguyễn Văn Thành, Tổng tài nhóm biên soạn Hoàng Việt Luật lệ, trong Sớ tấu Gia Long về Dự án Luật này đã viết: “Nước ta trong các triều đại trị vì từ xưa đến nay thì triều đại nào cũng có đầy đủ pháp luật. Các bộ luật ấy vẫn tham chiếu trong Bộ luật Hồng Đức vì những điều luật trong Bộ luật ấy gọn rõ, văn lại giản lược, phân minh dễ hiểu”.
Như vậy, từ các tư liệu lịch sử, có thể khẳng định rằng Quốc triều hình luật là công trình pháp điển hóa đầy đủ nhất, mẫu mực nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam mà các Bộ luật sau đó đã có sự tham chiếu kế thừa.
(Còn tiếp)