Kết cục nào với các sinh viên“chạy” Đại học ở Mỹ?

(PLVN) - Khi Todd Blae, một nhà đầu tư ở hạt Marin, Bắc California, khoe con gái được nhận vào trường đại học Nam California trên mạng xã hội năm ngoái, cô gái không biết rằng bố đã trả 250.000 USD để mua suất vào đại học cho con, bằng cách làm giả hồ sơ cô là thành viên một đội bóng chuyền.
Lori Loughlin (giữa), nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood cùng con cả Isabella (trái) và con út Olivia (phải).

Vì vậy, khi đường dây chạy vào đại học lớn nhất nước Mỹ bị phanh phui hôm 12/3, một trong những câu hỏi được đặt ra là con gái của Blae và những sinh viên khác có liên quan tới bê bối gian lận tuyển sinh này có bị trừng phạt hay không. 

Rất khó để ra quyết định

Hôm 13/3, cán bộ nhiều trường đại học có sinh viên gian lận hồ sơ cho biết họ đang xem xét từng trường hợp và đại học Nam California cho hay sẽ từ chối bất kỳ đơn xin nhập học nào liên quan tới đường dây này.

Công tố viên cáo buộc các phụ huynh đã trả tiền cho William Rick Singer, chủ đường dây chạy đại học, để cải thiện điểm số của con cái họ trong các bài kiểm tra đầu vào, cũng như hối lộ cho huấn luyện viên thể thao các trường đại học danh tiếng để nhận con cái vào học với tư cách là thành viên đội tuyển, nhằm đổi lấy các khoản đóng góp hào phóng cho phong trào thể thao trong trường.

Đối với những người trưởng thành có liên quan tới vụ án, công lý lập tức được thực thi. Singer đã bị bắt và nhận tội, hợp tác với các điều tra viên. Một huấn luyện viên đua thuyền ở trường Stanford cùng những đồng nghiệp có dính líu tới đường dây đều bị sa thải hoặc đình chỉ công tác.

Nhiều phụ huynh đang gánh chịu hậu quả từ vụ gian lận khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ. Quỹ đầu tư Hercules hôm 13/3 tuyên bố Manuel Henriquez cùng vợ đã từ chức chủ tịch và giám đốc điều hành. Bill McGlashan, một nhà đầu tư khác ở California, cũng bị buộc tội gian lận chạy điểm cho con, đã xin rời khỏi quỹ TPG Growth.

Tuy nhiên, công tố viên không truy tố con cái họ, bởi đa số những cô gái, chàng trai này không biết về hành động gian lận của bố mẹ. Tuy nhiên, cũng có những người như con gái lớn của Henriquez được cho là biết rõ rằng mẹ đã giúp mình gian lận trong kỳ thi hồi tháng 10/2015. Mùa xuân năm sau, cô được nhận vào đại học Georgetown với tư cách là thành viên đội quần vợt, dù không có thành tích thi đấu không ấn tượng, theo hồ sơ cáo trạng.

Các trường đại học đang đối mặt với lựa chọn khó khăn trong cách xử lý những sinh viên được vào trường nhờ đường dây của Singer, trong bối cảnh các phụ huynh và sinh viên trên toàn nước Mỹ đang vô cùng phẫn nộ.

Ở đại học Georgetown, giám đốc quan hệ truyền thông Matt Hill chỉ thông báo "đang xem xét chi tiết cáo trạng và sẽ có hành động thích đáng".

Don Heider, giám đốc điều hành Trung tâm Đạo đức học Ứng dụng Markkula ở đại học Santa Clara, đơn vị không liên quan tới bê bối, nhận định các trường đại học có thể đuổi học một số sinh viên biết và có tham gia hành vi gian lận với bố mẹ, nhưng với những người không biết, sẽ rất khó để ra quyết định.

"Nếu có bằng chứng đáng tin cậy rằng sinh viên đó biết chuyện gian lận, ban giám hiệu có thể yêu cầu người đó chuyển sang một trường khác", Heider nói. "Nhưng nếu không có bằng chứng, tôi nghĩ rằng trừng phạt sinh viên là chuyện vô lý".

Hiện chưa rõ sinh viên nào sẽ bị đuổi học. Trong lúc huấn luyện viên Vandemoer trường Stanford thừa nhận đã nhận đơn tuyển sinh của hai sinh viên để đổi lấy hơn 200.000 USD tài trợ cho chương trình chèo thuyền, các sinh viên này đã chuyển trường. Stanford cam kết sẽ chuyển lại số tiền đã nhận cho "một bên không liên quan tới Stanford" nhưng từ chối trả lời chi tiết cụ thể.

Hình phạt tối đa là hủy đơn nhập học 

Tại đại học Wake Forest, một đại học tư thục có nhiều cơ sở tại Winston Salem, Bắc Carolina, Chủ tịch Nathan O.Hatch đã thông báo vụ gian lận với sinh viên, giảng viên và nhân viên nhà trường.

Hatch thừa nhận trong trường có một sinh viên là con gái một khách hàng của Singer, người bị cáo buộc đã hối lộ huấn luyện viên bóng chuyền của Wake Forest để nhận cô gái vào đội tuyển của trường. Tuy nhiên, ông nói thêm "không có lý do để tin rằng sinh viên này biết chuyện gian lận". Hatch cho hay huấn luyện viên Bill Ferguson bị đình chỉ chức vụ và vị trí của ông đang chờ người thay thế.

Tại đại học California ở Los Angeles (UCLA), theo hồ sơ cáo trạng, Singer đã sắp xếp cho huấn luyện viên bóng đá Jorge Salcedo tuyển con của một khách hàng để đổi lấy khoản đóng góp 100.000 USD cho công ty tiếp thị thể thao của Salcedo. UCLA tuyên bố Salcedo bị sa thải, trường "không biết có bất kỳ sinh viên - vận động viên nào đang bị nghi ngờ".

Tuy nhiên, UCLA nhấn mạnh "mọi sinh viên nộp đơn vào trường phải ký cam kết chứng nhận tính hợp lệ và chính xác của tất cả thông tin liên quan tới đơn xin nhập học". Những trường hợp khai man sẽ bị kỷ luật, hình phạt tối đa là hủy đơn nhập học.

Công tố viên cáo buộc hai huấn luyện viên thể thao của đại học Nam California (USC) đã nhận 4 khách hàng của Singer vào đội tuyển để đổi lấy khoản thanh toán 350.000 USD cho câu lạc bộ bóng đá tư của họ, còn một huấn luyện viên bóng nước đã tuyển sinh một khách hàng nhằm đổi lấy khoản học phí trường tư thục cho con của người này.

Ngoài ra, một quản trị viên của USC bị cáo buộc đã nhận 20.000 USD một tháng để "tạo điều kiện nhập học cho vài chục sinh viên tới USC với tư cách vận động viên, dù nhiều sinh viên bịa đặt thông tin và thậm chí không chơi thể thao".

USC là nơi nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli bị cáo buộc trả 500.000 USD để hai con gái được nhận vào đội tuyển chèo thuyền, dù họ không chơi môn thể thao này. 

Hiện chưa rõ Isabella và Olivia Jade, hai con gái nhà Giannulli, có biết chuyện gian lận hay không. Tuy nhiên, Olivia Jade, con gái út, từng chụp ảnh chèo thuyền để chứng minh có tham gia đội tuyển. "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp, sáng suốt, sau khi hoàn thành xong đánh giá các sinh viên này", USC thông báo.

Các công tố viên Mỹ cho biết đường dây chạy vào trường đại học danh giá của Mỹ bị phanh phui hôm 12/3 là phi vụ gian lận trong ngành giáo dục lớn nhất họ từng truy tố từ trước tới nay. 50 người trên 6 bang bị buộc tội với hàng triệu USD tiền bất hợp pháp được đổ vào những trường đại học tốt nhất.

Về cơ bản, theo các chuyên gia, đường dây này hoạt động dựa trên ba con đường khá đơn giản: Gian lận điểm trong các kỳ thi tiêu chuẩn; Hối lộ những người chịu trách nhiệm quyết định sinh viên nào được chọn và che đậy tiền hối lộ dưới mác từ thiện. Cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ là William Rick Singer, sáng lập viên công ty dự bị đại học Edge College & Career Network.

"Về cơ bản, Singer thực hiện hai hành vi gian lận", công tố viên liên bang Andrew Lelling cho biết. "Thứ nhất là gian lận điểm SAT hoặc ACT, thứ hai là dùng mối quan hệ của mình với những huấn luyện viên đại học, hối lộ tiền để đưa các em học sinh vào trường với thành tích thể thao giả mạo".

SAT và ACT là các bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Tổng cộng 50 người đã bị buộc tội trong vụ án. Những người bị bắt bao gồm hai quản trị viên SAT/ACT, một giám thị, 9 huấn luyện viên tại các trường đại học hàng đầu, một nhà quản lý đại học cùng 33 phụ huynh.

Theo cáo trạng, Singer sắp xếp để một bên thứ ba, thường là Mark Riddell, bí mật làm bài thi hộ các sinh viên hoặc tráo câu trả lời bằng kết quả do Riddell làm. Nhằm giúp Riddell làm bài thi hộ mà không bị phát hiện, Singer hối lộ các giám thị, công tố viên cho hay.

Những phụ huynh thuê Singer giúp con họ gian lận được cho là đã trả từ 15.000 USD tới 75.000 USD cho mỗi bài thi.

Đọc thêm