Kết hôn có yếu tố nước ngoài: Thuận lợi khi giao cấp huyện đăng ký

(PLO) - Một trong những thay đổi lớn của Luật Hộ tịch 2014 là chuyển việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ tỉnh về cho huyện để tạo thuận lợi cho người dân và cho cả cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế, sau 7 tháng triển khai Luật, quy định này đã thực sự đi vào cuộc sống.
Một buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn
Một buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn

Không còn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Quy định UBND cấp huyện đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài là quy định mới (trước thời điểm chưa có Luật Hộ tịch, thẩm quyền này thuộc UBND cấp tỉnh và Sở Tư pháp – PV). Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ cấp tỉnh thực hiện ĐKKH đồng nghĩa với việc người dân phải đi lại xa xôi, vất vả, mất nhiều thời gian, chi phí.

Mặt khác, việc cấp tỉnh ĐKKH được ví như “vừa đá bóng vừa thổi còi”, bởi tỉnh vừa làm công tác quản lý nhà nước về hộ tịch vừa giải quyết các sự vụ cụ thể, trong khi thời gian đó nên để hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cơ sở.

Hơn nữa, việc kết hôn của một công dân mà phải cần đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố ra quyết định cũng không phù hợp vì ở cương vị này, Chủ tịch có rất nhiều công việc phải giải quyết, dẫn đến tình trạng nơi này, nơi khác để “ùn ứ” hồ sơ, nhất là với các tỉnh có lượng việc kết hôn với người nước ngoài lớn.

Do đó, việc thay đổi thẩm quyền nhằm phát huy năng lực, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh. Việc phân cấp này cũng sẽ khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch như hiện nay; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch”.

Còn nhớ, thời điểm trước khi thông qua Luật Hộ tịch, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc giao cho UBND cấp huyện thực hiện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài chưa phù hợp với trình độ, năng lực của đội ngũ công chức cấp huyện làm công tác này, dễ dẫn đến gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Tuy nhiên, với thời gian chuẩn bị hơn 1 năm trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan thực hiện cuộc tổng rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch trên phạm vi toàn quốc, từ đó có kế hoạch bổ sung, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng trước khi triển khai nhiệm vụ mới.

Cơ bản không có vướng mắc lớn

Nhận xét chung của các địa phương sau 7 tháng triển khai quy định về phân cấp thẩm quyền trong ĐKKH có yếu tố nước ngoài là không có những vướng mắc lớn phát sinh. Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ Huỳnh Quốc Lâm cho biết, do có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn nhân lực cũng như tập huấn nghiệp vụ nên việc ĐKKH có yếu tố nước ngoài diễn ra khá thuận lợi. Mỗi tháng 1 quận, huyện tiếp nhận, giải quyết khoảng trên dưới 10 hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Sở Tư pháp cũng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Hộ tịch tại cơ sở và không phát hiện những vi phạm hay sai sót. Tuy nhiên, theo ông Lâm vì là quy định mới nên với nhiều quận, huyện Sở vẫn phải hướng dẫn nghiệp vụ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang Phạm Thanh Huyền cũng cho hay: Sở Tư pháp đã tiến hành khảo sát ở 100% huyện, thị xã, thành phố kết quả cho thấy việc thực hiện chuyển giao thẩm quyền được thực hiện khá bài bản. 6 tháng đầu năm trên địa bàn đã thực hiện đăng ký kết hôn cho 201 trường hợp (chủ yếu kết hôn với người Đài Loan). Tuy nhiên, theo Giám đốc Huyền, hiện cái khó ở Hậu Giang là đội ngũ cán bộ tư pháp cấp phòng vẫn còn mỏng (3-4 cán bộ/phòng) trong khi khối lượng công việc rất lớn.

Mặc dù đội ngũ cán bộ tư pháp trên địa bàn Hà Nội có sự chênh lệch về số lượng cũng như chất lượng ở các quận, huyện nội- ngoại thành song theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Cao thì “những vướng mắc trong ĐKKH có yếu tố nước ngoài chỉ là những vấn đề nhỏ liên quan đến trình tự thủ tục và đã được Sở tháo gỡ ngay”. Để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định mới, Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là tập huấn cho cán bộ tư pháp cơ sở về các nội dung mới của Luật.

Việc thực hiện quy định mới diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên cũng theo phản ánh của nhiều Sở Tư pháp địa phương thì vấn đề con người và năng lực vẫn là những yếu tố cần được đặc biệt quan tâm trong việc thực hiện phân cấp thẩm quyền mới. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, cả nước có 709 Phòng Tư pháp, với tổng số 3.186 người (bình quân 4,5 người/một Phòng Tư pháp). Con số này vẫn là ít so với nhu cầu công việc. Thêm vào đó, qua các đợt bầu cử đội ngũ cán bộ này cũng có những biến động nhất định đòi hỏi cán bộ kế cận phải đào tạo mới.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến hết tháng 6 năm 2016, đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 956.581 trường hợp (giảm hơn 4,87% so với cùng kỳ năm 2015), đăng ký khai sinh lại cho 250.715 trường hợp (tăng gần 6,0% so với cùng kỳ năm 2015); khai tử cho 288.090 trường hợp (tăng gần 4,4% so với cùng kỳ năm 2015), ĐKKH cho 397.715 cặp (giảm hơn 11%, so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 7.503 trường hợp có yếu tố nước ngoài.

Đọc thêm