Hiện, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ nội dung đơn tố cáo trên.
Có tồn tại quỹ “đen”?
Như PLVN đã thông tin, liên quan đến vụ mua bán đất công trái thẩm quyền của một số cán bộ thôn, cán bộ xã Liêm Hải (vụ án đã được khởi tố, xét xử) còn có ông Đồng Ngọc Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Xuân Tiển - Giám đốc Quỹ TDND xã Liêm Hải. Hai ông này biết là đất công nhưng vẫn đại diện cho Quỹ chi 130 triệu cho xóm 11 để mua hơn 65m2 đất đường mương (đất công). Tuy nhiên, hành vi “ném tiền qua cửa sổ” trên vẫn chưa được đề cập, xử lý trong cùng vụ án.
Theo một cán bộ Quỹ TDND xã Liêm Hải thì nếu làm rõ về nguồn tiền mua đất, nhất định Cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ “lần” ra một quỹ “đen” tại đây. Thực tế, 130 triệu mà ông Bình, ông Tiển dùng để mua đất là nguồn tiền từ quỹ “đen” này. Sau đó, ông Đồng Ngọc Bình đã tự ý đứng tên thửa đất dù không phải bỏ một đồng nào trong phi vụ này.
Không hiểu sao, tại cuộc thanh tra vào cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Nam Định đã không làm rõ được nguồn tiền mua đất trên dù Kết luận thanh tra đã đưa ra kiến nghị: Quỹ phải thực hiện sang tên chính chủ phần đất trụ sở tại xã Liêm Hải.
Theo tố cáo của một cán bộ Quỹ TDND xã Liêm Hải mới đây thì từ nhiều năm nay, tại đơn vị đã tồn tại 1 quỹ tiền mặt trái phép, được hình thành theo chủ trương của lãnh đạo Quỹ tín dụng. Tiền mặt thì do Kiểm soát trưởng giữ. Còn thu, chi là do lãnh đạo Quỹ tín dụng quyết.
Nội dung tố cáo còn cho thấy, tiền “chảy” về quỹ “đen” này đều không hợp pháp, trong đó lớn nhất là khoản lãi thu về từ các khoản cho vay ngoài hồ sơ (dùng tiền của Quỹ cho vay nhưng không vào hệ thống sổ sách chính thức, thu lãi ngoài) và nhiều khoản chi khống (chi hội nghị khách hàng, hội nghị tổng kết nhưng thực tế không có hội nghị; chi thuê xe ô tô nhưng thực tế thì Quỹ đã mua chiếc xe này; chi thuê trụ sở nhưng thực tế thì trụ sở xây bằng tiền của Quỹ “đen” chứ không phải đi thuê; Phí “đảo nợ” thu của khách hàng...).
Trình bày với phóng viên, người tố cáo cho hay, tất cả các thủ thuật trên được thực hiện khá chặt chẽ về mặt giấy tờ và chứng từ. Nếu việc thanh tra, kiểm tra có báo trước thì khó có thể phát hiện được ra vì hồ sơ vay ngoài thường để trống ngày, tháng. Khi có đoàn kiểm tra thì chỉ cần điền ngày, tháng vào thì coi như khoản vay trên lại nằm trong sổ sách cho vay chính thức của Quỹ. Còn khi thu phí “đảo nợ” (khoảng 1,5% trên tổng số tiền vay) thì khách hàng sẽ được “phù phép” coi như đã nộp tiền mặt vào Quỹ để trả khoản nợ cũ, sau đó được Quỹ cho vay khoản mới.
Tuy nhiên, do biết rõ những sai phạm trên nên người tố cáo cũng đã nắm khá nhiều bằng chứng xác thực, bao gồm cả xác nhận của những người đã được “đảo nợ”. Chứng cứ này sẽ được cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Được biết, không chỉ nêu về quỹ “đen”, đơn tố cáo còn đề cập tới một loạt vấn đề khác như: chuyển nhượng vốn góp bừa bãi và không đúng quy định; biểu hiện độc đoán trong điều hành hoạt động của Quỹ; Chi khống nhiều khoản; Cho người thân lãnh đạo Quỹ vay số tiền vượt quá hạn mức với lãi suất thấp; Nghi vấn về bằng cấp, trình độ chuyên môn của lãnh đạo Quỹ; Duyệt cho vay nhưng tài sản thế chấp không hợp pháp…
Thành lập Đoàn thanh tra để kết luận rõ đúng sai
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chánh Thanh tra NHNN tỉnh Nam Định xác nhận việc NHNN tỉnh Nam Định đã nhận được đơn tố cáo của cán bộ tại Quỹ TDND xã Liêm Hải và cho biết: “NHNN tỉnh Nam Định sẽ thành lập đoàn thanh tra để xác minh, kết luận đơn tố cáo nêu trên. Tuy nhiên, trước mắt thì vẫn phải tập trung vào việc ổn định tình hình và trấn an người dân để tránh “vỡ quỹ”. Chúng tôi khẳng định với tình hình tài chính hiện nay thì Quỹ TDND xã Liêm Hải hoàn toàn đảm bảo khả năng thanh toán. Còn sai phạm trong quản lý, chi tiêu của lãnh đạo Quỹ như thế nào sẽ được chúng tôi kết luận rõ”.
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Viết Tuy - Bí thư Đảng ủy xã Liêm Hải cũng cho rằng: “Đơn tố cáo đúng sai như thế nào cần phải được Thanh tra NHNN tỉnh kết luận rõ. Không thể bao che. Còn địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để ổn định tình hình, đảm bảo Quỹ hoạt động bình thường, an toàn”.
Liên quan đến việc xử lý hậu quả trong việc lãnh đạo Quỹ TDND mua đất công, lấn đất công trái phép, ông Tuy cho hay, chúng tôi đã từng yêu cầu lãnh đạo UBND xã làm việc với lãnh đạo Quỹ về vấn đề này. Nếu Quỹ vẫn có trụ sở làm việc thì phải trả lại đất theo đúng quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết trong ngày 1, ngày 2 vì trong vụ án này còn liên quan đến nhiều vụ bán đất công khác. Chúng tôi sẽ lên kế hoạch xử lý hậu quả của cả vụ án và xin ý kiến cấp trên để thực hiện”.
Về việc lãnh đạo Quỹ TDND xã đã mua đất công, ông Tuy đánh giá: “Đã mua bán đất công là sai rồi. Nếu là dùng quỹ “đen” để mua thì lại càng sai vì bản thân việc hình thành và tồn tại quỹ “đen” này là không đúng. Việc này cần cơ quan chức năng kết luận rõ. Còn chúng tôi là cơ quan Đảng, không có chức năng kiểm tra hoạt động chuyên môn về tín dụng. Hơn nữa, lãnh đạo Quỹ cũng không phải là đảng viên. Hiện, có một người đang làm thủ tục kết nạp Đảng nhưng do người này đã bỏ sinh hoạt Đảng khi ở nước ngoài nên chúng tôi còn đang cân nhắc”.