Kết luận Thanh tra Tổng cty đường sắt Việt Nam “nằm chờ” Thủ tướng?

(PLO) - Từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR. Đến tháng 9/2015, toàn bộ quá trình thanh tra hoàn thành, phía Thanh tra Chính phủ đã lập dự thảo kết luận thanh tra và gửi lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, từ đó đến nay kết luận này vẫn trong chế độ “nằm chờ”.
Kết luận Thanh tra Tổng cty đường sắt Việt Nam “nằm chờ” Thủ tướng?
Dự thảo kết luận Thanh tra vẫn "nằm chờ"?
Ngày 19/09/2014, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ra quyết định số 2239/QĐ – TTCP Thanh tra về việc Chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Ông Nguyễn Duy Bính – Phó Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ), Trưởng đoàn Thanh tra - cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành Thanh tra tại VNR trong thời gian hơn 2 tháng. Đến đầu năm 2015, đoàn Thanh tra đã hoàn tất việc Thanh tra và tiến hành tổng hợp kết quả để làm việc với các Bộ, Ngành về các nội dung mà đoàn Thanh tra đã thu thập được. Tháng 9/2015, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất kết quả Thanh tra và lập dự thảo gửi lên Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo xử lý.
Ông Nguyễn Duy Bính - Phó Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ), Trưởng đoàn Thanh tra tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Bính - Phó Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ), Trưởng đoàn Thanh tra tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam. 
Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo kết luận này vẫn đang được “nằm chờ”. Ông Nguyễn Duy Bính nói: “Chúng tôi đã lập dự thảo kết luận và gửi lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, vừa qua Thủ tướng cũng bận khá nhiều việc nên vẫn chưa giải quyết được.
Do dự thảo kết luận chưa có chỉ đạo từ Thủ tướng nên các thông tin về nội dung kết luận Thanh tra vẫn đang trong chế độ bảo mật và chưa thể ra thông báo ra bên ngoài được. 
Bên cạnh đó, ngành đường sắt có nhiều đặc thù, là đơn vị doanh nghiệp kinh doanh nhưng có cả 1 nghị định về kinh doanh và bảo trì. Do vậy, có thể Thủ tướng đang muốn nghe một số thông tin từ các Bộ, Ban, Ngành báo cáo lên rồi chỉ đạo xử lý”.
Nhiều "lùm xùm" tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam
Cũng liên quan đến vấn đề chấp hành quy định pháp luật, quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên, Tháng 5/2015 dư luận từng một phen “dậy sóng” khi đơn vị này gửi báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về lộ trình thoái vốn tại “mảnh đất vàng” khách sạn thương mại Sài Gòn (80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Lý do được đưa ra là  vì kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, sau đó hành vi này đã bị Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) “tuýt còi”.
Bộ GTVT cho rằng lộ trình thoái vốn của VNR đã không có đầy đủ các thủ tục, quy định của pháp luật về việc thành lập Công ty TNHH khách sạn thương mại Sài Gòn (liên doanh giữa VNR và Công ty TNHH Hà Thành).
Khi thương thảo, đàm phán giá trị góp vốn vào Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn, Hội đồng thành viên VNR thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành về giá trị góp vốn 47 tỷ đồng. Nhưng chứng thư thẩm định giá số 406-13/BC-ĐG/ĐG-VAE ngày 25/06/2013 của Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam là 67.449.257.000 đồng. Như vậy giá của VNR góp vốn thấp hơn giá trị thẩm định hơn 20 tỷ đồng.
Bộ GTVT yêu cầu VNR làm báo cáo kết quả kinh doanh từ khi thành lập đến nay, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên quan của những thành viên dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ,và yêu cầu VNR nghiêm túc thực hiện, đảm bảo vốn đầu tư của nhà Nước không để thất thoát, thua lỗ.
Quyết định Thanh tra Tổng công ty đường sắt Việt Nam của Thanh tra Chính phủ được thực hiện từ năm 2014, nhưng đến nay kết luận Thanh tra về việc này vẫn đang được "nằm chờ".
Quyết định Thanh tra Tổng công ty đường sắt Việt Nam của Thanh tra Chính phủ được thực hiện từ năm 2014, nhưng đến nay kết luận Thanh tra về việc này vẫn đang được "nằm chờ". 
Trước những sự việc đó, dư luận phỏng đoán, nếu lộ trình thoái vốn của VNR được thực hiện “trót lọt” thì người được ưu tiên hưởng lợi từ “mảnh đất vàng” này chính là Công ty TNHH Hà Thành. Nếu đúng như vậy, phải chăng việc thoái vốn và kinh doanh thua lỗ tại khách sạn thương mại Sài Gòn được VNR và Công ty Hà Thành “thỏa thuận” với nhau từ khi bắt đầu thành lập (tháng 07/2013), rồi hoạt động theo kiểu “cố tình làm lỗ” để thoái vốn, nhằm chiếm dụng tài sản của nhà nước một cách hợp lệ.
Được biết năm 2014, VNR đã có nhiều kế hoạch và dự định thoái toàn bộ vốn góp, giảm vốn, cổ phần hóa tại hàng loạt các công ty cổ phần và xảy ra nhiều “lùm xùm”. Trong khi đó, dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này vẫn đang trong chế độ “nằm chờ” và chưa có kết luận chính thức. Không biết, những sai phạm, thiếu xót của VNR bao giờ mới được công khai để xử lý và lộ trình tái cơ cấu của đơn vị này sẽ đi đến đâu?.
Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ và đang chờ làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Ngọc Đông, phụ trách Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm