Kết quả của Tổng điều tra dân số phải đánh giá được chất lượng dân cư

(PLVN) -Chiều nay (13/3), chủ trì hội nghị trực tuyến về thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương lưu ý, kết quả của Tổng điều tra phải đánh giá được cả chất lượng dân cư, thực trạng ở nhà hiện nay của cả nước để phục vụ cho các mục tiêu của Tổng điều tra.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Cuộc họp trực tuyến kết nối tới 775 điểm cầu, nối tới tất cả các cấp huyện trên toàn quốc với 36.000 đại biểu tham dự. Theo dự kiến, từ 0h ngày 1/4, cuộc tổng điều tra dân số, nhà ở lần thứ 5 tiến hành trên cả nước và kéo dài trong 25 ngày. 

Sẽ khác so với 10 năm trước đây

Đây sẽ là lần thứ 5 nước ta tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở, với 5 mục đích chính, trong đó mục đích vụ cho công tác giám sát thực hiện nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Ngoài việc lấy dữ liệu nghiên cứu phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở; đánh giá các kết quả phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, Phó thủ tướng cho rằng đây là cơ sở rất quan trọng để xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

  “Cuộc tổng điều tra lần này sẽ khác so với 10 năm trước đây, trình độ phát triển kinh tế xã hội của chúng ta đã rất khác, đặc biệt là trình độ phát triển công nghệ thông tin”, Phó thủ tướng nói. Ông yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tập trung truyền thông, vận động toàn thể nhân dân tham gia Tổng điều tra, bảo đảm an toàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ việc tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ công nghệ thông tin cho điều tra viên khi đây là lần đầu tiên cuộc Tổng điều tra ứng dụng triệt để các tiện ích của công nghệ từ thu thập phiếu, lưu trữ, đánh giá số liệu và xây dựng báo cáo tổng thể. “Mặc dù công nghệ thông tin có sự trợ giúp rất đắc lực nhưng rủi ro tính hệ thống cũng cao đây là điều chúng ta không thể chủ quan và các tỉnh thành phố Ban Chỉ đạo các cấp phải hết sức chú ý việc này.” -lời Phó Thủ tướng.

Chính bởi vậy, ông yêu cầu các bộ, địa phương không được chủ quan, tiếp tục rà soát lại hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống máy chủ, đường truyền để chuẩn bị cho điều tra, khắc phục các rủi ro của công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống. Trưởng Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, kết quả của Tổng điều tra không đơn thuần là số liệu thống kê, không chỉ phản ánh được số lượng chính xác, khách quan mà phải đánh giá được cả chất lượng dân cư, thực trạng nhà ở hiện nay của cả nước để phục vụ cho các mục tiêu của Tổng điều tra. 

Do đó, các bộ, địa phương phải quan tâm tới công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ để thu thập thông tin giữa các địa bàn có đặc điểm phân bổ dân cư khác với trước đây, bảo đảm số liệu xác thực. “Chúng ta huy động lực lượng tham gia đông, kinh phí bỏ ra rất lớn với 1.100 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách khó khăn, 10 năm mới tiến hành một lần nên phải làm sao để cuộc tổng điều tra dân số chính xác, trung thực, an toàn tuyệt đối và có chất lượng cao”- Phó thủ tướng nêu rõ.

Các địa phương đã sẵn sàng

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc lập bảng kê hộ là nội dung quan trọng nhằm rà soát, cập nhật bảng kê, hoàn thiện những thay đổi của hộ trước thời điểm điều tra. Hiện nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai công tác tuyên truyền đến toàn thể các tổ chức, cá nhân trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú thiết thực. Đồng thời chỉ đạo cập nhật và hoàn thiện danh sách bảng kê hộ, rà soát lại các địa bàn khó tiếp cận cần quan tâm ổn định an ninh chính trị để có phương án các lực lượng tham gia ở địa phương.

Một số ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi trong việc sử dụng trên thiết bị thông minh để điều tra cũng dễ phát sinh khó khăn trong quá trình điều tra viên tác nghiệp thống kê khi máy chủ quá tải không đồng bộ dữ liệu được. Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương cần có hướng dẫn và xử lý các bước cụ thể của từng lỗi trong quá trình điều tra, xây dựng quy chuẩn báo lỗi rõ ràng, hoặc bổ sung thêm chức năng kiểm tra nhanh những hộ đã phỏng vấn xong để điều tra viên thống kê hoàn chỉnh lỗi trước khi đồng bộ dữ liệu.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kể từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai tổng điều tra dân số và nhà ở vào giữa năm 2018, các địa phương và 3 Bộ liên quan (Quốc phòng, Công an và Ngoại giao) đã thành lập các ban chỉ đạo, triển khai các hội nghị tập huấn về công tác phân chia địa bàn điều tra và vẽ sơ đồ nền xã/ phường/ thị trấn, công tác quản lý và lập Bảng kê hộ, nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin.

Lực lượng tham gia Tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ). Công tác lập Bảng kê hộ đã hoàn thành vào ngày 20/01/2019. Tổng số có 217.586 địa bàn điều tra (trong đó 196.717 địa bàn điều tra thường và 20.869 địa bàn đặc thù) với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng) được lập bảng kê. Trong đó, nữ chiếm 50,4%; Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về tổng số hộ và số người được lập bảng kê, tương ứng là 2,5 triệu hộ và 8,9 triệu người; thành phố Hà Nội có 2,2 triệu hộ và 7,9 triệu người.

Tổng cục Thống kê hiện đã nâng cấp máy chủ phục vụ Tổng điều tra nhằm bảo đảm việc sao lưu và xử lý số liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử; giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 bao gồm kinh phí Tổng điều tra cho các Cục Thống kê cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thống kê.

  Cuộc Tổng điều tra 2019 sẽ tập trung đánh giá và điều tra thống kê ở 10 nội dung chính: thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
 

Đọc thêm