UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Thời điểm điều tra là 0h ngày 1/4/2019. Thời gian điều tra tại địa bàn là 25 ngày, bắt đầu từ 7h ngày 1/4/2019.
Đối tượng điều tra gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú tại Hà Nội tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết của hộ dân cư xảy ra từ mùng 1 Tết Âm lịch Mậu Tuất năm 2018 (tức ngày 16/2/2018) đến hết ngày 31/3/2019; nhà ở của hộ dân cư.
Đơn vị điều tra là hộ dân cư. Hộ dân cư bao gồm một người ăn riêng, ở riêng, hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai. Tổng điều tra được thực hiện toàn bộ trên phạm vi toàn thành phố đối với tất cả các đơn vị điều tra.
Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho Báo SK&ĐS biết, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Nếu không tính người dân các địa phương lân cận về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai, thì mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, khu vực trung tâm có mật độ cao nhất.
So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, mật độ trung bình ở mức từ 100-200 người/km2, thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có khoảng 7,5 triệu nhân khẩu, trong đó, có gần 1,5 triệu người tạm trú. Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.