Theo người nhà bệnh nhi, trước đó, khi đang chơi một mình, bé Toàn bất ngờ bị kẹt tay vào cánh cửa sắt, làm 2 nửa đốt ngón tay thứ 3 và thứ 4 bàn tay phải bị đứt lìa còn kẹt trên cửa. Sau khi tiến hành sơ cứu ở bệnh viện tuyến dưới, gia đình đã chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Qua kiểm tra, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thấy 2 mầm móng tay của bệnh nhi vẫn còn nên đã tiến hành làm vạt da chéo ngón đa tầng, lấy vạt lưng của hai ngón lành che vào hai đầu ngón bị thương và lấy da vùng cổ tay ghép vào lưng ngón tay đã bị lấy đi.
Bác sĩ Phạm Văn Khương, khoa Chấn thương chỉnh hình bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trường hợp bệnh nhi Toàn rất may vì vẫn còn mầm móng tay nên vẫn có thể tái tạo và phát triển. Nếu bị mất hết mầm móng tay, buộc các bác sĩ phải phẫu thuật cắt đốt đầu của hai ngón tay đó.
Theo bác sĩ Phạm Văn Khương, đây là trường hợp khá đặc biệt vì khả năng phục hồi của bệnh nhi rất nhanh. Theo tiên lượng của các bác sĩ, phải mất khoảng 6 tháng, các đốt ngón tay mới trở lại bình thường nhưng trường hợp bé Toàn chỉ sau 1,5 tháng, 2 đốt ngón tay đã mọc và hoạt động trở lại.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo, trẻ nhỏ thường rất hiếu động, do đó, phụ huynh có con nhỏ cần hết sức chú ý, quan sát trẻ nhiều hơn. Hầu hết những rủi ro xảy ra với trẻ nhỏ thường do sự bất cẩn của người lớn. Trường hợp không may trẻ bị đứt ngón tay, đốt tay… người nhà cần bình tĩnh và biết cách sơ cứu ban đầu cho trẻ. Nếu tay chảy máu nhiều nên đưa tay bé lên cao, phần bị đứt lấy khăn sạch gói bỏ vào thùng đá (đề phòng nếu nối lại được) và sau đó đưa trẻ đến ngay bệnh viện.