Kết thúc vụ vải thiều 2018: 'Bội thu' bài học kinh nghiệm

(PLO) - Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, sự đổi mới trong cách làm, đặc biệt là xúc tiến thương mại và sự vào cuộc đồng bộ từ TƯ tới địa phương đã mang lại một mùa vải thành công. 
Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Thủ đô
Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Thủ đô

Vải thiều “bay xa” trong năm 2018

Trao đổi với Báo PLVN, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang không giấu được sự vui mừng khi vải thiều Bắc Giang, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Lục Ngạn được mùa, được giá. Ông Thái cho biết, ngoài việc sản lượng cao nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 207 nghìn tấn, vải thiều năm nay còn khẳng định chất lượng vượt trội nhờ áp dụng hàng loạt biện pháp khoa học kỹ thuật, đã hình thành được nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với gần 14 nghìn ha. Điều này giúp vụ vải đem về doanh thu hơn 5700 tỷ đồng, đồng thời có một sản lượng lớn xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, quả vải được tiêu thụ rộng rãi trong nước, đã vào siêu thị lớn như Big C, Coop.Mart, Happro... với giá ổn định, từ 25.000 - 35.000 đồng/kg.

Để đạt được kết quả này, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, trước hết do sự triển khai đồng bộ và bài bản của UBND tỉnh, chính quyền các địa phương có diện tích vải thiều lớn và các cơ quan chuyên môn trong việc chỉ đạo tổ chức sản xuất ngay từ đầu vụ, trong đó khuyến khích các hộ trồng vải ứng dụng quy trình sản xuất an toàn để có năng suất, chất lượng cao. Riêng về công tác xúc tiến thương mại, khác với mọi năm, năm nay UBND tỉnh Bắc Giang đã rất chủ động và có nhiều điểm mới. Việc tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường (Trung Quốc), được chính quyền cũng như nhiều hội hoa quả, hội DN nước bạn tham gia. Theo báo cáo của Sở Công Thương, vụ vải năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 200 thương nhân Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân thu mua vải.

Năm nay, Bắc Giang còn tổ chức Diễn đàn kinh tế về sản xuất và tiêu thụ vải thiều gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức diễn đàn có quy mô lớn, với 500 đại biểu tham gia. Tại sự kiện này có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành TƯ và nhiều DN đại diện cho các tập đoàn phân phối chuỗi sản phẩm lớn của cả nước. Ngay sau đó, việc tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang tại Thủ đô Hà Nội không chỉ đem sản phẩm vải thiều đến người tiêu dùng Thủ đô mà còn tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét trong việc quảng bá hình ảnh vải thiều Bắc Giang.

Đến hết vụ thu hoạch, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, các thị trường chủ yếu như: Trung Quốc, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia... Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 81,3 nghìn tấn; các thị trường khác khoảng 1 nghìn tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước cũng được mở rộng, chiếm gần 60% sản lượng, tăng 10-15% so với năm 2017. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí đã có định hướng tốt, giúp người dân trồng vải an tâm tiêu thụ sản phẩm, trong khi người tiêu dùng được tiếp cận thông tin về quả vải ngon, chất lượng và giá bán hợp với túi tiền. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã kịp thời định hướng trước những tình huống thông tin thất thiệt xuất hiện trên mạng xã hội, giúp nông dân yên tâm sản xuất, buôn bán. 

Bài học từ vụ vải thiều Bắc Giang 2018

Nhìn lại vụ vải thiều 2018, với giá bán dao động từ 4 - 40 nghìn đồng/kg khiến không ít người nghi ngại. Theo tìm hiểu, những loại vải có giá thấp thường rơi vào diện tích vải thiều ở các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế và một phần diện tích vải trồng trên đồi cao ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên - nơi không có điều kiện chăm sóc tốt. Tất cả những loại có giá bán từ 20-40 nghìn đồng/kg là vải thiều được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP do các HTX, tổ hợp tác đảm nhận.

Ông Thái cho biết, qua vụ vải vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ  tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, mô hình hợp tác, HTX để ứng dụng các quy trình khoa học kỹ thuật vào sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng quả vải. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, địa phương này sẽ rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, xác định những vùng trồng vải thiều tập trung, không phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả này, giúp cho cây vải phát triển bền vững, hạn chế sâu bệnh gây hại vào cuối vụ như vừa qua.

Bên cạnh đó, việc quan tâm đến phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm gắn với tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu khó tính cũng là một kinh nghiệm lớn từ mùa vải năm nay. 

Vụ vải năm nay, huyện Lục Ngạn đã hỗ trợ cho 8 DN, HTX tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ có tem nhãn rõ ràng, vải thiều Lục Ngạn dễ dàng giành được niềm tin của người tiêu dùng. Thời gian tới, “thủ phủ” vải thiều của Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác này, giúp nâng cao giá trị quả vải tại địa phương này. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn cho rằng, việc đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường, nhất là thị trường trong nước không chỉ cần sự nỗ lực của các địa phương mà còn có các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT và cao hơn là Chính phủ. Qua đó, tạo điều kiện cho các DN, HTX sản xuất, tiêu thụ vải thiều tiếp cận những thị trường, đối tác mới. 

Đọc thêm