Kêu gọi công bố thông tin về sức khỏe tâm thần của phi công

(PLO) - Các nhà điều tra Pháp đang điều tra về vụ rơi máy bay của hãng hàng không Germanwings ngày 13/3 kêu gọi áp dụng những “quy định rõ ràng hơn” về việc công bố các thông tin về sức khỏe tâm thần của các phi công.
Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: AFP

Ngày 24/3/2015, sau khi khóa trái cửa nhốt cơ trưởng bên ngoài buồng lái, cơ phó trên máy bay Airbus 320 của Germanwings Andreas Lubitz đã cố ý cho máy bay lao xuống một dãy núi ở Pháp. Thảm kịch đã khiến 150 người thiệt mạng và dấy lên những nghi vấn về an toàn hàng không chưa từng có tiền lệ.

Theo AFP, trong bản kết luận cuối cùng về thảm kịch, các chuyên gia hàng không dân sự BEA của Pháp đã đề nghị giới chức ngành hàng không thực hiện các cuộc kiểm tra về y tế nghiêm ngặt hơn đối với các phi công. Khuyến cáo này được đưa ra dựa trên việc cơ phó Lubitz, 27 tuổi, đã bị trầm cảm và đã phải đến gặp bác sỹ hàng chục lần trong vài năm trước khi xảy ra vụ tai nạn.

Tuy nhiên, theo luật pháp của Đức, các bác sỹ không được phép cảnh báo với công ty chủ quản của Lubitz về tình hình sức khỏe của anh ta, dẫn đến việc anh ta vẫn được cho phép bay. 

“Cần phải có những quy định rõ ràng để đảm bảo gỡ bỏ yếu tố bí mật về sức khỏe tâm thần của phi công. Một số bác sỹ tại các cơ sở y tế tư nhân đã biết Lubitz có vấn đề về sức khỏe nhưng thông tin này đã không được chuyển cho giới chức hàng không hay hãng sử dụng lao động là Germanwings” – nhà điều tra Arnaud Desjardin cho biết tại buổi công bố báo cáo của BEA. Báo cáo cũng đề nghị thường xuyên phân tích về hồ sơ y tế của các phi công nhằm kiểm tra và phát hiện các vấn đề về tâm lý hoặc tâm thần. 

Hiệp hội Phi công Đức Cockpit đã hoan nghênh những đề xuất của các nhà điều tra Pháp, gọi đây là “một gói các giải pháp cân bằng”. “Những khuyến nghị an toàn đó tạo thành một gói các giải pháp cân bằng nhằm ngăn chặn những thảm kịch như vậy lặp lại” – ông Markus Wahl, Người phát ngôn của Hiệp hội tuyên bố và kêu gọi giới chức Đức thực thi toàn bộ các khuyến nghị này.

Trong khi đó, Hiệp hội Phi công chính của Pháp là SNPL nói rằng việc dỡ bỏ các quy định về bảo mật hồ sơ y tế của các phi công sẽ không giúp ích được nhiều và kêu gọi cải thiện việc giám sát đối với các phi công. Trước đó, sau khi xảy ra vụ việc, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) cũng đã đề nghị các hãng hàng không trên thế giới đẩy mạnh các cuộc kiểm tra y tế đối với các phi công, bao gồm việc thực hiện thêm nhiều cuộc kiểm tra về sức khỏe tâm thần.

Sau vụ rơi máy bay, giới chức hàng không châu Âu cũng đã khuyến cáo quy định bắt buộc có 2 người trong buồng lái trong suốt thời gian diễn ra chuyến bay. Tuy nhiên, báo cáo đã không đề cập đến khuyến nghị này. 

Đọc thêm