Khắc phục hệ thống giao thông giúp thuận tiện du lịch

(PLVN) -Lữ hành, lưu trú và vận chuyển là một trong ba yếu tố quan trọng quyết định thành công của ngành Du lịch và giao thông là “sợi dây” kết nối các yếu tố nói trên. Một điểm đến dù có hấp dẫn đến đâu nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt sẽ không phải một điểm đến lý tưởng đối với du khách.
Tiềm năng du lịch từ đường sắt. (Ảnh: baodautu.vn).
Tiềm năng du lịch từ đường sắt. (Ảnh: baodautu.vn).

Đa dạng phương tiện giao thông

Du lịch từ lâu đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại, vì vậy, không lấy làm lạ khi nền công nghiệp không khói rất được quan tâm tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, phát triển du lịch là một trong những nhu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá.

Trong sự phát triển của ngành Du lịch, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của ngành Giao thông Vận tải, bởi hoạt động du lịch luôn gắn liền với chuyến đi của con người từ nơi ở cố định thường xuyên đến các điểm du lịch. Hoạt động du lịch gắn liền với hoạt động vận tải và vận chuyển khách du lịch là một bộ phận không thể tách rời của ngành công nghiệp không khói. Do đó, có thể nói du lịch và giao thông vận tải có sự liên kết và cùng nhau thúc đẩy phát triển.

Với đặc điểm địa hình du lịch Việt Nam vừa có sông, có suối, có núi, có biển và cả đồng bằng nên phương tiện giao thông phục vụ du lịch rất đa dạng. Đến với du lịch Việt Nam du khách có thể thích thú trải nghiệm với những phương tiện giao thông từ độc đáo mà không phải một nơi nào trên thế giới có được. Có thể kể đến một vài phương tiện vận tải đặc sắc như cáp treo, khinh khí cầu hay phương tiện vận chuyển mang màu sắc dân tộc như cưỡi voi, cưỡi trâu, cưỡi ngựa,…

Bên cạnh những phương tiện giao thông độc đáo, các phương tiện phổ biến hơn phục vụ chủ yếu cho mục đích di chuyển mới là điều mà du khách quan tâm. Tại các thành phố du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các phương tiện giao thông sẵn có nhằm phục vụ cho du lịch khá đa dạng và được du khách sử dụng.

Một trong những phương tiện giao thông thường được du khách lựa chọn phải kể đến taxi truyền thống và taxi công nghệ. Với ưu điểm tiện lợi và linh hoạt, du khách có thể gọi taxi bất cứ khi nào cần, không cần phải chờ đợi theo lịch trình hay đi bộ đến bến xe hay trạm tàu mà di chuyển trực tiếp đến điểm đến. Từ đó du khách tiết kiệm được thời gian cho hành trình của mình. Đồng thời taxi còn mang lại sự thoải mái riêng tư hơn so với các phương tiện công cộng khác.

Nói về nhược điểm, taxi có chi phí cao hơn nhiều so với các loại phương tiện công cộng khác. Tình trạng taxi “chặt chém” du khách trong nước và quốc tế vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng xấu đến bộ mặt du lịch cả nước. Hay tình trạng taxi chèo kéo, giành giật khách khiến nhiều du khách bức xúc và ảnh hưởng an ninh trật tự.

Một trong những phương tiện phổ biến khác phải kể đến hệ thống giao thông công cộng. Hiện nay, nước ta có khá nhiều loại hình phương tiện công cộng phổ biến, tiêu biểu có thể kể đến các loại xe buýt. Bên cạnh xe buýt to phục vụ di chuyển khung đường lớn còn có xe buýt mini tiện di chuyển tuyến đường nhỏ, nội đô và các ngóc ngách.

Với mạng lưới tương đối rộng lớn và phủ rộng hầu khắp các địa điểm trong thành phố cùng với giá vé rẻ và tiết kiệm, xe buýt có nhiều ưu điểm để du khách lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, đây lại không phải sự lựa chọn của nhiều du khách bởi một vài nhược điểm như giới hạn địa điểm khi chỉ chạy trên các tuyến đường cố định, du khách dễ gặp tắc đường và phải chờ đợi lâu trên các bến, nhất là trong giờ cao điểm, một số phương tiện bị quá tải làm cho hành khách không thoải mái khi di chuyển,…

Ngoài ra, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế,… còn có xe buýt 2 tầng phục vụ tham quan thành phố cho du khách, nhưng giá vé khá cao và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên chưa phát triển mạnh.

Mới đây nhất, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km đã chính thức vận hành tại Hà Nội. Đây cũng là phương tiện giao thông công cộng rất được mong chờ bởi sự mới lạ, tự động hoá và giải được “bài toán” tiết kiệm cả thời gian và chi phí của taxi và xe buýt. Có thể nói, hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nâng tầm hệ thống giao thông công cộng và cả ngành Du lịch trong nước. Thế nhưng, hiện nay tàu điện trên cao chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô, số lượng du khách sử dụng chưa nhiều.

Bên cạnh các phương tiện nói trên, còn có: xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, xe điện, xe khách, xích lô… và các phương tiện phục vụ cho chặng đường dài như máy bay, tàu hoả, tàu thuỷ. Nhìn lại, nước ta có đa dạng loại hình phương tiện giao thông nhưng đôi khi đa dạng thôi chưa đủ để phục vụ du lịch khi vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế khiến du khách chưa có được trải nghiệm trọn vẹn.

Cần tháo gỡ bất cập

Xe buýt 2 tầng phục vụ tham quan thành phố. (Ảnh: klook.com).

Xe buýt 2 tầng phục vụ tham quan thành phố. (Ảnh: klook.com).

Nhìn nhận lại ngành Du lịch của nước ta, chúng ta chưa có một phương tiện giao thông thật sự phổ biến dành cho khách du lịch cả trong và ngoài nước. Một loại phương tiện giao thông mà khi nhắc đến du lịch tại Việt Nam, du khách sẽ nghĩ ngay đến việc sử dụng phương tiện đó. Như tại Hàn Quốc, tàu điện ngầm là phương tiện nổi bật dành cho khách du lịch, tại Thái Lan tàu điện ngầm và tàu điện trên cao rất được du khách ưa chuộng hay nhắc đến châu Âu không thể không nhắc đến du lịch bằng tàu hoả.

Rõ ràng, Việt Nam có sẵn các loại phương tiện giao thông đa dạng, thế nhưng đơn thuần chỉ phục vụ cho nhu cầu di chuyển, đi lại còn chưa đáp ứng được các yêu cầu của ngành Du lịch. Đồng thời mỗi loại phương tiện lại tồn tại những bất cập khác nhau, phương tiện này có ưu điểm này thì lại có khuyết điểm khác như taxi thì quá đắt còn xích lô thì quá chậm. Do vậy cần tháo gỡ những bất cập để giao thông có thể trở thành “đòn bẩy” cho du lịch phát triển.

Trước hết, hệ thống giao thông du lịch cần có sự thuận tiện và phải kết nối được với các địa điểm du lịch. Tại các thành phố lớn, thành phố du lịch việc này có thể giải quyết dễ dàng bởi đã có sẵn phương tiện và hạ tầng giao thông, cái còn thiếu là các lộ trình, tuyến đường có tính du ngoạn. Như các tuyến đường bộ có thể nối liền một số điểm phong cảnh du lịch, khiến du khách có thể tham gia nhiều hạng mục hoạt động du lịch trong chuyến hành trình mà không phải lăn tăn về việc đi phương tiện nào, lên xuống ở đâu,…

Đồng thời các tuyến giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng cần bổ sung ngoại ngữ. Không chỉ ở yếu tố con người như tài xế, phụ xe, người bán vé mà các biển báo điểm dừng xe buýt hay loa thông báo điểm dừng trên xe buýt nên có thêm tiếng Anh để người nước ngoài dễ dàng sử dụng dịch vụ.

Văn hoá giao thông tại các dịch vụ giao thông cũng cần nâng cao để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách. Tại sân bay, máy bay văn hoá ứng xử với du khách rất văn minh, lịch sự nhưng khi tham gia giao thông đường bộ nhiều du khách nước ngoài đã phải “khóc, cười” với giao thông Việt Nam vì hỗn loạn và thiếu văn hoá. Một trong những phương tiện đang xây dựng được văn hoá giao thông văn minh, lịch sự, thân thiện phải kể đến xe buýt điện VinBus.

Bên cạnh đó, nhiều phương tiện có tiềm năng phục vụ du lịch nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ hoặc chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Điển hình như tuyến đường sắt tại Việt Nam với lợi thế trải dài khắp đất nước, tiện di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác. Đồng thời du lịch bằng tuyến đường sắt còn có tính du ngoạn rất rõ như tuyến đường sắt Thống Nhất với chiều dài 1.730km, tuyến đường sắt Bắc - Nam hội tụ đủ những tiêu chí của một tuyến tàu hỏa tuyệt vời khi vừa đi qua các thành phố lịch sử, vừa băng qua cung đường ven bờ biển tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, lâu nay, nguồn tài nguyên này mới chỉ được ngành đường sắt khai thác ở mức mối quan hệ hợp tác cộng sinh với mức độ vừa phải. Tức là, đường sắt chỉ đóng vai trò đơn thuần là đơn vị vận tải hành khách đi tham quan du lịch chứ chưa tham gia sâu vào lĩnh vực này với tư cách là chủ thể du lịch. Để đường sắt phát triển mạnh mẽ hơn trong ngành Du lịch cần tăng cường truyền thông, xây dựng tuyến đường du lịch đặc sắc dựa trên khai thác nguồn lực nội tại.

Còn với các tỉnh có địa hình phức tạp như vùng núi, đồi nhưng có tiềm năng lớn về du lịch, văn hoá, khoáng sản, việc thiếu phương tiện và hạ tầng giao thông vẫn là một "nút thắt" cản trở phát triển du lịch. Rõ ràng, việc đầu tư phát triển hệ thống phương tiện và hạ tầng giao thông là rất cần thiết, đó cũng là lý do một số địa phương miền núi đã xác định xây dựng hệ thống giao thông là 1 trong 3 đột phá quan trọng.

Với mục tiêu đưa ngành Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, hệ thống giao thông trở thành một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, triển khai đồng bộ để sẵn sàng đón đầu cho tương lai. Do đó, việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hệ thống giao thông rất quan trọng để góp phần đưa ngành Du lịch Việt Nam phát triển.