(PLO) -Lắp đặt chậm chễ, mới dùng 4 ngày đã xảy ra sự cố, khách hàng không thể liên lạc với bộ phận sửa chữa dịch vụ mà VNPT ghi rõ trong phiếu lắp đặt kiêm biên bản bàn giao.
Gọi tới đường dây nóng của PLVN, bà Lưu Thị Linh ở Trung Hoà, Nhân Chính, Hà Nội cho biết ngày 3/9/2014 thông qua công ty Sơn Hà Group bà đã được chào mời lắp đặt dịch vụ Internet của VNPT Hà Nội. Gói cước có tên FiberVnn, tốc độ 12 Mb, nếu thanh toán trước 18 tháng sẽ được ưu đãi siêu rẻ, chỉ 200 ngàn đồng/ tháng. “Ngày 3/9/2014 tôi đồng ý lắp đặt gói dịch vụ này và đã nộp trước cước phí 18 tháng là 3.960.000 đồng. Phía công ty Sơn Hà cam kết 3-5 ngày sau sẽ lắp đặt. Tuy nhiên, 5 ngày sau không thấy bất cứ tín hiệu gì của việc Sơn Hà sẽ triển khai lắp đặt cho gia đình tôi, tôi đã gọi điện rất nhiều lần tới đường dây nóng của công ty này và tới ngày 9/9/2014 họ mới cho nhân viên tới lắp đặt”, bà Linh cho biết.
Sau khi lắp đặt, bà Linh đã trả thêm 1.200.000 đồng cho nhân viên kỹ thuật để sử dụng thêm 1 bộ phát tín hiệu wifi trong phòng ngủ vì theo nhân viên kỹ thuật này nếu sử dụng 1 bộ phát tín hiệu wifi ở phòng khách thì tín hiệu tại phòng ngủ sẽ chập chờn, không thể sử dụng. “Do điều kiện công việc, gia đình tôi cần tín hiệu wifi tốt nên mặc dù toàn bộ diện tích căn hộ chỉ hơn 100 m2 nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận sử dụng tới 2 bộ phát tín hiệu. Thế nhưng mới sử dụng được 3 ngày thì mạng đã chập chờn rồi không thể truy cập”, bà Linh bức xúc phản ảnh.
|
Hoá đơn và phiếu bảo hành dịch vụ Fibervnn gia đình bà Linh được cung cấp sau khi nộp tiền. |
Không vào được mạng do tín hiệu có nhưng không thể kết nối, gia đình bà Linh mở hợp đồng và phiếu lắp đặt để tìm số điện thoại hỗ trợ. Trong phiếu này ghi rõ đơn vị quản lý hợp đồng là TTVT Thượng Đình 1, bộ phận hỗ trợ sửa chữa dịch vụ FiberVnn là số điện thoại: 04.800126. “Tôi đã gọi tới số máy này suốt buổi sáng ngày 13/9/2014 nhưng chỉ nhận được tín hiệu tút ngắn và thông báo: Number not use. Tôi gọi tiếp số máy 119 (bộ phận báo hỏng, sửa chữa dịch vụ điện thoại cố định, Gphone) nhằm hỏi số máy sửa chữa FiberVnn nhưng số mày này cũng không thể kết nối và có thông báo: quý khách không thể thực hiện cuộc gọi tới số máy này. Tôi tìm số máy di động của kỹ thuật viên tới lắp đặt là anh Đặng Duy T, số máy 09130035xx nhưng số máy này cũng tắt máy, tôi thực sự không hiểu nổi một đơn vị như VNPT Hà Nội lại coi thường khách hàng như vậy, số máy hỗ trợ mà không thể sử dụng, không thể kết nối khác nào lắp đặt xong rồi thì “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”?, bà Linh nói.
Cho tới khi phản ảnh bức xúc này tới PLVN thì hệ thống Internet của gia đình bà Lưu Thị Linh vẫn trong tình trạng không kết nối được. Bà Linh đã gọi điện tới đường dây nóng của đại lý VNPT là công ty Sơn Hà và người nhận máy tiếp nhận thông tin song nhiều giờ trôi qua vẫn không có nhân viên kỹ thuật liên lạc hay hỗ trợ. Không thể chờ sự hỗ trợ của VNPT, gia đình bà Linh đã phải thuê thợ bên ngoài vào sửa chữa mạng Internet.
Không những thế, sau khi tra thông tin trên mạng Internet, gia đình bà Linh phát hiện gói cước mình đăng ký được chính nhà mạng quảng bá trên trang web chính thức của mình: Fibervnn.vn là 3.600.000 đồng trong khi gia đình bà đã phải trả 3.960.000 đồng. "Không hiểu số tiền gần 400 ngàn đồng kia rơi vào "túi ai. Rõ ràng gia đình tôi phải trả giá đắt để mua dịch vụ tồi", bà Linh thắc mắc.
Đáng nói đây không phải lần đầu dịch vụ chăm sóc khách hàng của VNPT bị phàn nàn, trước đó PLVN từng phản ảnh việc mạng VNPT mất sóng nhưng tổng đài hỗ trợ và chăm sóc khách hàng lại không hoạt động. Những sai sót có "hệ thống" này cho thấy VNPT không coi "khách hàng là thượng đế", phong cách kinh doanh có biểu hiện cửa quyền, ban phát khiến cho khách hàng hết sức bức xúc.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị của độc giả xin liên hệ ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com