Đây cũng là lớp học thứ tư (khóa I có 2 lớp, khóa II và III có 1 lớp/khóa) trong triển khai Kế hoạch công tác năm 2019 của Học viện nhằm nâng cao năng lực, trình độ, chuẩn hóa các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định của Đảng, pháp luật cho công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo sơ bộ về tình hình chuẩn bị và tổ chức lớp học, đại diện Học viện cho biết: Sau Thông báo số 461/TB-HVTP, đã có 70 công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự, đơn vị ngoài Bộ được cử tham gia lớp học.
Trong đó, bao gồm các công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương hoặc được quy hoạch lãnh đạo cấp phòng và tương đương; công chức, viên chức đang giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương; công chức, viên chức được quy hoạch của các tổ chức đoàn thể.
Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là chương trình đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành theo Hướng dẫn số 614-HD/HVCTQG về hướng dẫn thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Theo đó, Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có tổng thời lượng là 1.056 tiết được chia làm 7 phần.
|
Toàn cảnh buổi khai giảng lớp học |
Giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của lớp học là Bộ giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản với 8 quyển về các chuyên đề theo Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Bên cạnh Bộ giáo trình, Học viện Tư pháp còn xây dựng, biên tập Tập bài giảng về tình hình, nhiệm vụ của ngành Tư pháp để cung cấp cho học viên tham gia lớp học.
Giảng viên tham gia giảng dạy cho lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là đội ngũ giảng viên của Học viện Tư pháp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… Các giảng viên tham gia giảng dạy cho lớp học đều là các chuyên gia về các nội dung, lĩnh vực của chương trình đào tạo và đã tham gia giảng dạy cho nhiều lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay.
Rút kinh nghiệm từ các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã tổ chức, Học viện Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Vụ Các trường Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cùng tham gia tổ chức, quản lý lớp học. Học viện cũng phổ biến nội quy lớp học, các điều kiện để được cấp bằng tốt nghiệp cho những học viên hoàn thành khóa học.
|
Phó Giám đốc Trương Thế Côn đưa ra một số yêu cầu với lớp học |
Vui mừng thông báo cho các học viên về việc Học viện Tư pháp là 1 trong 10 trường của các bộ, ngành Trung ương được phép đào tạo và cấp bằng Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Phó Giám đốc Học viện Trương Thế Côn đã điểm lại một số hoạt động chính, những thành tích đạt được trong hơn 21 năm xây dựng, trưởng thành của Học viện.
Cam kết tổ chức lớp học nghiêm túc, chặt chẽ, đạt chất lượng, hiệu quả, tăng cường giám sát bằng công nghệ, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, ông Côn yêu cầu các học viên đi học một cách thực chất, nâng cao ý thức tự giác học tập. Ông Côn cũng đề nghị giảng viên tham gia giảng dạy áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, đặc biệt là tăng cường chia sẻ các kiến thức, vấn đề mới phát sinh trong thời đại hiện nay...