Đặc biệt, những tranh cãi giữa 2 nước xung quanh cáo buộc tình báo Nga đã quan hệ với thành viên nhóm vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump được đăng tải tràn ngập trên mặt báo.
Đấu khẩu
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov vừa bác bỏ những báo cáo được đăng tải trên tờ New York Times cho rằng, Nga từng liên lạc với ông Paul Manafort, người từng đứng đầu chiến dịch của ông Trump. Và nhiều cuộc điện đàm giữa quan chức tình báo Nga với các thành viên nhóm vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump đã bị chặn.
Những cuộc gọi bị chặn kể trên khiến cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ lo ngại bởi việc này không chỉ giới hạn trong phạm vi những người tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống, mà cả những người đang là cộng sự của ông Donald Trump.
Về phần mình, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các nhà ngoại giao Nga ở Mỹ và một số nước châu Âu thường xuyên nhận được những lời đề nghị tuyển mộ và nhiều khi những lời đề nghị này được đưa ra một cách trắng trợn. Trước đó, ông Sergei Lavrov từng cảnh báo, nỗ lực tuyển mộ các nhà ngoại giao Nga làm việc ở Mỹ đang tăng mạnh trong những năm gần đây.
“Do tính chất nghiệp vụ, chúng ta không công bố những số liệu đầy đủ về chuyện này”, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói. Truyền thông Nga cho rằng, bầu không khí “chiến tranh lạnh” đã trở lại mạnh mẽ với việc các nhà ngoại giao Nga ở Mỹ và các nước phương Tây đang bị tiếp cận "một cách trắng trợn". Tờ Sputnik cho biết, điệp viên Mỹ đã đặt gói tiền 10.000 USD vào xe của “một nhà ngoại giao cấp cao của Nga” kèm theo lời đề nghị hợp tác.
Ông Sergei Lavrov cho biết, số tiền kể trên đã được chuyển cho bộ phận kế toán của Đại sứ quán Nga để “dùng cho lợi ích của Nhà nước Nga”. Ngoại trưởng Sergei Lavrov còn nhấn mạnh, nhân viên ngoại giao Nga đang phải làm việc trong tình trạng khó khăn bởi đôi khi họ rơi vào môi trường thù địch.
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov |
Cáo buộc
"Khi đề cập về hoạt động tuyển mộ tình báo, chúng ta thường không công khai những thống kê đầy đủ. Nhưng trong vài năm gần đây, đặc biệt là trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Obama, những hoạt động thiếu thiện chí nhắm vào các nhà ngoại giao của chúng ta tăng lên đáng kể," ông Sergei Lavrov nhấn mạnh.
Đồng thời bác bỏ cáo buộc của chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng, Đại sứ quán Mỹ tại Moskva không được tạo điều kiện hoạt động bình thường. Theo giới truyền thông, 10 tháng trước (tháng 4-2016), Tham tán công sứ Nga ở Washington đã bị “chiêu hàng”.
Và theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, Moskva đã cảnh báo hành động thiếu thiện chí từ Washington. Hơn 1 tháng trước (16-1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết, điệp viên Mỹ đã tìm cách tuyển một nhà ngoại giao Nga có nhiệm vụ mua thuốc cho cựu Thủ tướng Nga Evgueni Primakov.
Cuối năm 2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc hoạt động gián điệp. Nhưng Moskva không trục xuất trả đũa Washington, động thái được Tổng thống Donald Trump ca ngợi. Ngày 29-12-2016, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, 35 nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Nga tại Washington và lãnh sự quán tại San Francisco phải rời khỏi Mỹ trong vòng 72 giờ.
Và sẽ đóng cửa 2 khu nhà “được sử dụng để thu thập thông tin tình báo của Nga” ở New York và Maryland. Khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov gọi hành động trừng phạt của Mỹ là "một biểu hiện của chính sách đối ngoại hung hăng và không thể lường trước", đồng thời chỉ trích các cáo buộc là "vô căn cứ và không hợp pháp".
Ông Donald Trump cũng cho rằng, cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là "nực cười" và tuyên bố người Mỹ "nên tiếp tục cuộc sống của mình". Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vừa công kích các cơ quan tình báo Mỹ vì đã rò rỉ thông tin mật bất hợp pháp cho báo giới, đồng thời phủ nhận cáo buộc, nhân viên tham gia chiến dịch tranh cử của ông đã liên lạc với giới chức tình báo Nga./.