Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan đã khai mạc sáng 18/11 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen – nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2012 – đã chủ trì hội nghị mang chủ đề “Một cộng đồng, một vận mệnh”. Trong bài diễn văn khai mạc, ông Hun Sen nói rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN đã đạt được thành tựu lớn trong công cuộc hợp tác suốt 45 năm qua, đặc biệt là những thành tựu trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN gần đây. Theo Thủ tướng Campuchua, để đánh giá việc triển khai trong những năm qua và tìm các giải pháp thích hợp để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường các mối quan hệ của ASEAN với bên ngoài và tăng cường vai trò trung tâm cũng như vị thế quốc tế của ASEAN, các nước ASEAN cần “áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn và hợp tác hơn, đặc biệt là thông qua hợp tác ASEAN”. Ông Hun Sen cho biết, hướng tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015 vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN. “Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để hoàn thành khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với Hiến chương ASEAN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế của ASEAN” – ông Hun Sen lưu ý.
Thủ tướng Hun Sen nói rằng, duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực là điều không thể thiếu trong đối với sự thịnh vượng của ASEAN và tăng trưởng toàn diện của toàn bộ khu vực ASEAN. Theo ông Hun Sen, 10 nước trong khối ASEAN cần tiếp tục tiếp tục làm việc với nhau để phát huy vai trò trung tâm xây dựng trong khu vực, tăng cường hợp tác với các đối tác ở mọi cấp độ, đặc biệt là cơ chế ASEAN+1 và ASEAN+3; tăng cường và mở rộng hợp tác để vượt qua những thách thức khu vực và quốc tế.
Tại lễ khai mạc, Viện nghiên cứu ASEAN về hòa bình và hòa giải (AIPR) đã chính thức ra mắt. Ngay sau đó, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 đã tiến hành phiên họp toàn thể; tiến hành lễ ký Tuyên bố Phnom Penh về việc thông qua Tuyên bố ASEAN về nhân quyền. Tuyên ngôn nhân quyền của ASEAN là một văn kiện không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, gồm có 40 điều khoản trên các lĩnh vực như quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, phát triển và tăng cường hòa bình.
Theo chương trình, từ 18-20/11 sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 15; Hội nghị ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 15; Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN+3 (APT) gồm ASEAN + Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10; Hội nghị ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15; Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 4; đối thoại toàn cầu ASEAN (AGD). Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 cũng sẽ khai mạc từ ngày 19/11 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Nga. Một trong những điểm gây tranh cãi trong các hội nghị kéo dài 3 ngày này sẽ vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Hôm 17/11, tổng thư ký ASEAN công bố đề xuất thiết lập một đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm giảm bớt những căng thẳng trên biển.
Minh Ngọc (Theo THX, TTX, AFP)