Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tối 17/3, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 16 - 18/3.
Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 16 - 18/3.

Thành hoàng của người dân đất Cảng

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là một trong những lễ hội lớn trong năm của TP Cảng được khôi phục lại từ năm 2023. Theo thông lệ, cứ đến ngày 8/2 âm lịch hàng năm, người dân Hải Phòng và du khách khắp nơi lại náo nức dự lễ hội, tưởng nhớ tri ân công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, TP Hải Phòng ngày nay.

Theo thần tích, Nữ tướng Lê Chân nguyên quán ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà là người thông minh, tài sắc vẹn toàn, tiếng đồn đến thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp. Vì bị bà từ chối nên Tô Định oán giận đã sát hại cha bà. Bà ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, thề không đội trời chung với Tô Định. Sau đó, bà Lê Chân bỏ quê đến vùng An Dương, cửa sông Cấm lập trại khai phá. Nhớ quê nhà, bà đặt tên cho vùng đất này là Trang An Biên, lại mở một chợ ở bên sông để tiện việc mua bán. Tại đây bà thu nạp những người có hoàn cảnh giống như bà và tích cực chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà.

Năm 40 (sau công nguyên), khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, bà cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên hội quân, lập nên chiến công vang dội. Sau đó, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân Công Chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ. Khi Mã Viện đem quân sang phục thù, Lê Chân chỉ huy quân chặn giặc, chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng nên đã gieo mình xuống núi Giát Dâu tuẫn tiết.

Dân làng An Biên được Lê Chân báo mộng lập miếu thờ “An Biên cổ miếu” (đền Nghè ngày nay). Cũng từ đó, bà được tôn làm Thành hoàng trang An Biên và được ban thần hiệu Nam Hải Uy Linh Thánh Chân Công chúa.

Để ghi nhớ công đức của vị nữ tướng tài ba, người khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay, bà được nhân dân Hải Phòng suy tôn là Thành hoàng làng, là Thánh mẫu, lập đình, đền, miếu mạo... thờ phụng.

Đặc biệt là tại quận Lê Chân ngày nay, nơi mà nữ tướng Lê Chân lập nên trang ấp đầu tiên - trang An Biên xưa, tiền thân của TP Hải Phòng ngày nay có nhiều di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nữ tướng Lê Chân.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong việc tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân qua các năm, năm 2024, Lễ hội tiếp tục được quận Lê Chân tổ chức trong 3 ngày từ ngày 16 - 18/3 (tức ngày 7 - 9/2 năm Giáp Thìn) tại đền Nghè, đình An Biên và Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.

Chủ tịch UBND quận Lê Chân Nguyễn Hoàng Linh cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội, lãnh đạo quận đã phối hợp tích cực với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình của Lễ hội, trên cơ sở những nét văn hóa truyền thống.

Việc tổ chức Lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"; tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân. Đồng thời tiếp tục phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đền Nghè, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình An Biên. Thông qua hoạt động Lễ hội tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP nói chung, quận Lê Chân nói riêng đến với du khách trong và ngoài TP.

Đọc thêm