Lễ hội Nữ tướng Lê Chân – Thành hoàng của người dân Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thông lệ, cứ vào dịp đầu năm, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân lại được tổ chức trọng thể nhằm phát huy các nét đẹp văn hoá, nghi lễ truyền thống về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân – người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, TP Hải Phòng ngày nay.
Lễ hội nữ tướng Lê Chân được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 16-18/3.
Lễ hội nữ tướng Lê Chân được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 16-18/3.

Thành hoàng làng của người dân đất Cảng

Theo thần tích, Nữ tướng Lê Chân nguyên quán ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà sinh vào khoảng đầu Công nguyên, trong một gia đình có truyền thống dạy học, làm thuốc. Bố là ông Lê Đạo, mẹ là bà Trần Thị Châu, ông bà thường xuyên làm việc thiện tu nhân tích đức. Bà lớn lên, thông minh tài sắc vẹn toàn.

Viên quan cai trị nhà Hán là Tô Định thời đó đòi lấy làm tì thiếp, nhưng đã bị bà từ chối nên đã oán giận đã sát hại cha bà. Bà ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, thề không đội trời chung với Tô Định. Sau khi đi thị sát, bà phát hiện ở vùng ven biển có nhiều sông rạch tạo thành các đường thủy nối liền, lòng mừng thầm, nghĩ được trời ban cho nơi che chở. Bà trở về quê cùng người thân đến khai khẩn vùng đất mới, lập nên một làng ven sông gọi là làng Vẻn.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng vào hồi 20h ngày 17/3.
Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng vào hồi 20h ngày 17/3.

Nhớ quê nhà, bà bèn lấy tên quê gốc để đặt tên cho vùng đất mới: Trang An Biên, lại mở một chợ ở bên sông để tiện việc mua bán. Tại đây bà thu nạp những người có hoàn cảnh giống như bà và tích cực chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà.

Lúc ấy ở đạo Sơn Tây có hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đang phát hịch kêu gọi tướng sĩ khắp nơi khởi nghĩa giết giặc Tô Định. Lê Chân được tin, lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây. Trưng Trắc thấy diện mạo khác thường, có chí khí nên đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân Công Chúa, đem quân cùng Bình Khôi Công Chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. Tô Định thua to, trốn về Bắc quốc, nước Nam bình định, Trưng Trắc xưng vua, khao thưởng quân sĩ, ban khen công thần. Thánh Chân Công chúa được phong là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược.

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Lễ hội, từ ngày 16.3, quận Lê Chân khai mạc "Chợ làng Vẻn"
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Lễ hội, từ ngày 16.3, quận Lê Chân khai mạc "Chợ làng Vẻn"

Khi trở về làng, bà đã dựng đồn, tăng cường chiêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, bình yên, ai ai cũng đội ơn và kính yêu bà như cha mẹ.

Sau thất bại, vua Hán sai tướng tài Mã Viện đem quân thuỷ bộ theo đường đông bắc sang đánh, Lê Chân chỉ huy quân chặn giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do chênh lệch lực lượng, bà phải lui binh về bảo vệ Mê Linh. Sau khi phòng tuyến Cấm Khê vỡ, hai bà Trưng tự tận, Lê Chân phải rút quân vào vùng núi Lạt Sơn (thuộc Hà Nam bây giờ), lập căn cứ chống giặc. Mã Viện sai quân vây chặt căn cứ, chặn đường tiếp tế lương thực. Thế cùng lực tận, Nữ tướng đã gieo mình xuống núi Giát Dâu tuẫn tiết.

Dân làng An Biên được Lê Chân báo mộng lập miếu thờ “An Biên cổ miếu” (đền Nghè ngày nay). Cũng từ đó, bà được tôn làm Thành hoàng trang An Biên và được ban thần hiệu Nam Hải Uy Linh Thánh Chân công chúa.

Các gian hàng ẩm thực tại chợ làng Vẻn.
Các gian hàng ẩm thực tại chợ làng Vẻn.

Để ghi nhớ công đức của vị nữ tướng tài ba, người khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay, bà được nhân dân Hải Phòng suy tôn là Thành hoàng làng, là Thánh mẫu, lập đình, đền, miếu mạo,.. thờ phụng.

Đặc biệt là tại quận Lê Chân ngày nay, nơi mà nữ tướng Lê Chân lập nên trang ấp đầu tiên - trang An Biên xưa, tiền thân của TP Hải Phòng ngày nay có nhiều di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng Lê Chân như: đền Nghè, đình An Biên, chùa Vẻn (tên chữ Linh Quang Tự), và đình Vẻn ngoài. Tất cả các di tích này đều có sự liên quan mật thiết với nhau, nhất là trong việc tổ chức lễ hội, tế lễ, rước sách, thờ cúng từ xưa đến nay của người dân quận Lê Chân.

Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Nữ tướng Lê Chân

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được quận Lê Chân khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.

Thông qua hoạt động lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP.
Thông qua hoạt động lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong việc tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân qua các năm, năm 2024, Lễ hội tiếp tục được quận Lê Chân tổ chức trong 3 ngày từ ngày 16-18/3 (tức ngày 7- 9/2 năm Giáp Thìn)tại Đền Nghè, Đình An Biên và Quảng trường tượng đài Nữ tướng Lê Chân.

Theo lãnh đạo UBND quận Lê Chân, để chuẩn bị cho lễ hội, lãnh đạo quận đã phối hợp tích cực với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình của Lễ hội, trên cơ sở những nét văn hóa truyền thống. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị lễ hội cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho một mùa lễ hội thành công.

Những gian hàng tấp nập trong ngày đầu khai mạc chợ quê.
Những gian hàng tấp nập trong ngày đầu khai mạc chợ quê.

Theo kế hoạch, ngày 16/3 (7/2 âm lịch), Ban tổ chức lễ hội và Ban quản lý các di tích thờ Thánh mẫu làm lễ Cáo Yết, báo cáo Thánh mẫu công tác chuẩn bị đã hoàn tất và xin phép Thánh mẫu cho phép được khai hội.

Sáng ngày 17/3 (8/2 âm lịch), ngay từ sáng sớm các hoạt động lễ tế, dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức Nữ tướng; cùng với nghi lễ tế là lễ rước. Đặc biệt, Lễ khai mạc sẽ diễn ra trọng thể, quy mô tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng vào hồi 20h ngày 17/3.

Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, lễ hội năm nay còn có nhiều hoạt động văn hoá dân gian độc đáo, hấp dẫn: Chợ quê, chương trình biểu diễn pháo đất, võ dân tộc, hội thị hoa Thuỷ Tiên, canh hát cửa đình,… hứa hẹn thu hút du khách và nhân dân.

Trong khuôn khổ Lễ hội, ngày 16/3, tại đình An Biên đã diễn ra Canh hát cửa đình.
Trong khuôn khổ Lễ hội, ngày 16/3, tại đình An Biên đã diễn ra Canh hát cửa đình.

Việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền thống ‘‘Uống nước nhớ nguồn”; tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân - Người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa – TP Hải Phòng ngày nay. Đồng thời tiếp tục phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đền Nghè, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình An Biên. Thông qua hoạt động lễ hội tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP nói chung, quận Lê Chân nói riêng đến với du khách trong và ngoài TP .

Đọc thêm