Khai mạc lễ hội truyền thống đền Trần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 4/10 (tức ngày 20/8 âm lịch), Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền Trần (TP Hưng Yên - tỉnh Hưng Yên) tưởng nhớ 723 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Các đại biểu và du khách dự khai mạc lễ hội truyền thống đền Trần.
Các đại biểu và du khách dự khai mạc lễ hội truyền thống đền Trần.

Đền Trần là một trong 16 di tích nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Ngôi đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị, tư tưởng lớn của dân tộc.

Tương truyền, khu vực đền Trần có vị trí chiến lược quan trọng, vì thế, Trần Hưng Đạo chọn nơi đây là địa điểm đóng quân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 và lần thứ 3. Sau khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất, Nhân dân trong vùng đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông và tổ chức lễ hội hằng năm.

Lễ hội diễn ra từ ngày 4/10 đến ngày 6/10 (tức ngày 20/8 đến ngày 22/8 âm lịch). Trong lễ hội, cùng với nghi thức tế lễ truyền thống của các đội tế nam, đội tế nữ, còn có các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, cờ người...

Di tích lịch sử đền Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn (TP Hưng Yên).

Di tích lịch sử đền Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn (TP Hưng Yên).

Đền Trần là một di tích tiêu biểu nằm trong quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến, tọa lạc trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, thờ người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng trụ cột của vương triều Trần. Đền Trần được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XIV sau khi Hưng Đạo Đại Vương mất. Trải qua sự biến thiên của thời gian, sự thăng trầm của lịch sử, dưới triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức 16 (1863), niên hiệu Thành Thái 4 (1892) ngôi đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Dấu ấn kiến trúc đền Trần hiện nay mang đậm phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn, thế kỷ XIX.

Kiến trúc tổng thể đền Trần theo kiểu chữ Tam gồm: 05 gian Tiền tế, 05 gian Trung từ và 03 gian Hậu cung. Các hạng mục công trình được bố trí cân đối, hài hòa theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”. Tại gian trung tâm Hậu cung là ban thờ Đức Thánh Trần. Phía sau là ngai và bài vị Tổ nghiệp họ Trần cùng gia đình và hai gia tướng tài danh là Yết Kiêu và Dã Tượng.

Hiện nay, đền Trần còn bảo lưu được nhiều hiện vật rất có giá trị về lịch sử - văn hóa và mỹ thuật, đó là hệ thống cửa võng, câu đối, ngai thờ, bia đá… và đặc biệt là 15 đạo sắc phong thời Nguyễn. Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý báu đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử, địa danh của Phố Hiến xưa.