Khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp huyện Cái Bè năm 2024 khai mạc tối nay, 14/11 và kéo dài đến 15/11 (14 - 15/10 âm lịch).
Du khách háo hức tham dự khai mạc lễ hội
Du khách háo hức tham dự khai mạc lễ hội

Lễ hội nhằm quảng bá các hình ảnh về nhà cổ hàng trăm năm và các hoạt động văn hóa- thể thao, tạo điểm nhấn để thu hút khách tham quan du lịch.

Lễ khai mạc Lễ hội diễn ra vào lúc 19h tại sân lễ UBND xã Đông Hòa Hiệp với sự tham dự của hơn 300 đại biểu khách mời và đông đảo người dân địa phương. Lễ bế mạc diễn ra vào 20h30 ngày 15/11.

Trưng bày các sản phẩm độc đáo của địa phương

Trưng bày các sản phẩm độc đáo của địa phương

Các hoạt động chính của Lễ hội gồm: Tổ chức phiên chợ quê; Hội thi làm bánh dân gian; trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương của huyện Cái Bè; Hội thi Chưng nghi, mâm ngũ quả; trưng bày và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch Tiền Giang; thả đèn hoa đăng; tái hiện nghi thức cúng đình; tổ chức hội thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập heo đất...

Xếp hình trái cây nghệ thuật

Xếp hình trái cây nghệ thuật

Lễ hội là hoạt động được tổ chức định kỳ hằng năm. Năm 2023, Làng cổ Đông Hòa Hiệp và các điểm du lịch ở huyện Cái Bè tiếp đón hơn 33.800 lượt du khách, trong đó có khoảng 22.500 khách quốc tế. Đây là sự kiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Hoà Hiệp, góp phần phát triển du lịch của huyện Cái Bè trong thời gian tới. Đồng thời, là bước chuẩn bị cho Lễ hội cấp tỉnh năm 2025, qua đó định hướng và hướng dẫn người dân tham gia du lịch cộng đồng ngày càng nhiều, phong phú và hiệu quả.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm tiêu biểu để phát triển mô hình du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Làng cổ Đông Hoà Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm. Các ngôi nhà cổ này được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp phương Đông lẫn phương Tây, vừa cổ kính vừa hiện đại.

Bên trong các ngôi nhà này vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu, cột, kèo, đòn tay, vách ngăn đều làm bằng gỗ quý như căm xe, thao lao, gỗ lim, gỗ đỏ và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm và rất đẹp…