Khai mạc VRDF 2019: 'Khát vọng thịnh vượng của Việt Nam rất rõ ràng'

(PLVN) - Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng!”
Khai mạc VRDF 2019
Khai mạc VRDF 2019
Với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”, VRDF 2019 chính thức diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay, 19/9.

Đây là năm thứ hai VRDF được tổ chức. Diễn đàn này là sự tiếp nối và kế thừa Diễn đàn Phát triển VN (VDF) trước đây nhưng nội dung mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách và các vấn đề về phát triển của Việt Nam (VN), với sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, khu vực tư nhân…, và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, trước mắt trong các năm 2018 - 2021.

Việt Nam đang vận động không ngừng…

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình (TNTB), VN luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đường - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. VN là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, VN đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong các ngành, lĩnh vực KT-XH và quản lý nhà nước.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Trong đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của VN năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia TNTB thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng liệt kê một loạt khó khăn, thách thức mà VN đang phải đối mặt như VN hiện là quốc gia có mức TNTB thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh.

Đặc biệt, nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển. 

Trong khi đó, thế giới đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc CMCN 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và DN. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến.

“Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy TNTB” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có VN. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách…”- Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định  hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức.

Người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng đề cập đến Dự thảo Chiến lược Phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 của VN trong đó Dự thảo đã xác định một định hướng quan trọng về thể chế, về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Ứng dụng và phát triển công nghệ mới...; cũng như những ưu tiên đầu tư phát triển…

"Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng", Bộ trưởng nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của VN. 

2 lĩnh vực cải cách

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN cũng đã nhấn mạnh đến những cơ hội và thách thức trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại, và căng thẳng thương mại đang gia tăng, cùng với những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy …

“Những phát triển này đặc biệt quan trọng đối với VN, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng. Vào thời điểm, mô hình kinh tế của VN cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất…Vì vậy, mặc dù VN có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro được nêu ở trên…”- ông Ousmane Dione đưa ra lời khuyên.,

Đại diện WB tại VN cũng chỉ ra 2 lĩnh vực cải cách mà VN cần lưu tâm.

Lĩnh vực cải cách thứ nhất là tìm cách giải quyết một điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại, vốn quá phụ thuộc vào tích lũy nhân tố với sự đóng góp để tăng năng suất còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng.

 Lĩnh vực cải cách thứ hai liên quan đến các thể chế “thị trường”. Ông Ousmane Dione cho rằng, mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, VN vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước, đảm bảo cạnh tranh tích cực.

2 câu hỏi xuyên sốt diễn đàn được các diễn giả bàn thảo là: Phải lựa chọn những ưu tiên gì để thực hiện?. Và cần hành động thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra?.

Trong sáng nay, Diễn đàn sẽ có 2 phiên thảo luận với các chủ đề về "Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập" và "Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy TNTB".

Trong phiên toàn thể buổi chiều với chủ đề "Hành động vì một VN thịnh vượng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì.

Đọc thêm