Khai nhận di sản thừa kế đối với người thừa kế chưa thành niên

(PLO) -Vợ tôi mất năm 2012, khi vợ tôi mất có để lại một ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng. Hiện nay tôi muốn chia phần thừa kế của vợ cho hai đứa con: một cháu 19 tuổi, một cháu 9 tuổi và bố mẹ vợ tôi. Tôi có lên Phòng công chứng để làm Văn bản chia di sản thừa kế thì bị Phòng công chứng từ chối với lý do các con chưa thành niên, nếu cùng ký Văn bản thỏa thuận phân chia di  sản thì sẽ vi phạm khoản 3 điều 141 Bộ luật Dân sự. Vậy tôi phải làm gì để được phân chia di sản thừa kế?(Lê thị ngọc phượng, ltphuongmo....@gmail.com)
Khai nhận di sản thừa kế đối với người thừa kế chưa thành niên

Trả lời:

Vấn đề vướng mắc ở đây là con của bạn là người chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì: 

“...

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Theo quy định trên thì người con 9 tuổi trên không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản thừa kế với những đồng thừa kế khác, mà phải thực hiện thông qua người đại diện là bố của cháu (chính là bạn). Như vậy, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bạn sẽ tham gia đồng thời với hai tư cách: một là chính mình với tư cách là người được hưởng di sản thừa kế của vợ, hai là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.

Tuy nhiên, như bạn đã biết, tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự về phạm vi đại diện có quy định: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo quy định này thì bạn không thể đại diện cho con chưa thành niên (cháu 9 tuổi) để tặng cho phần di sản của các con cho chính mình được (người đại diện xác lập giao dịch với chính mình).

Theo đó bạn có thể thực hiện theo hai cách thức sau để chia thừa kế cho các con: 

-  Hoặc làm văn bản khai nhận di sản thừa kế (quy định tại Điều 50 Luật Công chứng): Theo đó, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Sau khi lập văn bản khai nhận di sản thừa kế với nội dung trên thì bố mẹ vợ, bạn và hai con sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả năm người này.

-  Hoặc, vẫn có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 49 Luật Công chứng: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản. Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

Nhưng trong phần phân chia di sản thừa kế thì chỉ có bố mẹ vợ tặng cho phần di sản mà họ được hưởng cho bạn (nếu các bên đồng ý). Phần di sản thừa kế của con chưa thành niên sẽ được giữ nguyên, không tặng cho ai.

Sau khi lập văn bản này, bạn và hai người con của bạn sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên ba bố con.

Đọc thêm