Khai phá tiềm năng nông nghiệp hữu cơ vùng núi phía Bắc: Bài 3: Đổi thay những vùng đất khát, đất khô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày những người trẻ bắt đầu đặt chân lên vùng núi cao đều có một mơ ước “không chỉ làm giàu mà tạo ra một giá trị”… Cùng với những đồng hành và chính sách hiệu quả từ chính quyền địa phương, 10 năm sau, những vùng đất khát, đất khô ấy đã biến thành những vùng nguyên liệu hữu cơ, mang lại cả giá trị vật chất lẫn tinh thần cho bà con vùng cao.
Nụ cười thu hoạch của người nông dân vùng quế hữu cơ. (Ảnh: Hải Yến)
Nụ cười thu hoạch của người nông dân vùng quế hữu cơ. (Ảnh: Hải Yến)

Thu nhập tăng gấp nhiều lần

Tính đến nay, mô hình liên kết chuỗi giá trị quế hữu cơ (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) và gừng hữu cơ (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đều đã có diện tích đáng kể với hàng nghìn hộ nông dân tham gia. Bộ mặt nông thôn của 2 huyện vùng cao này đổi thay chóng mặt. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang dần mọc lên thay cho những nhà mái tranh, mái ngói, những nhà sàn ngày trước. Đời sống người dân nâng lên rõ rệt bởi không chỉ thu nhập cao gấp 5 - 7 lần, thậm chí hàng chục lần từ những vùng nông sản hữu cơ của gia đình mà người nông dân còn có thêm cơ hội nhận lương ổn định hàng tháng tại nhà máy chế biến đặt tại địa phương.

Ông Hoàng Văn Định (xóm Ngườm Vài, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng) không giấu được niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi rằng mức thu nhập tăng lên nhiều lần và ông đã xây được một ngôi nhà mới khang trang. Trước đây năng suất trồng gừng nhà ông Định chỉ đạt 1 tấn/năm thì hiện nay, với phương thức canh tác mới đã đạt 3 tấn/năm. Năm nay, dự kiến nhà ông Định thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn với giá dự tính 15.000 đồng/kg (gấp hơn 2 lần so với giá sàn mà Dace đã ký với UBND huyện Hà Quảng).

Hộ gia đình bà Vũ Thị Khuyên - Nguyễn Ngọc Thính (thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) cũng đã cất được một ngôi nhà lớn sau gần 10 năm tham gia vào chuỗi sản xuất chế biến quế hữu cơ. Nhà bà Khuyên có 4ha với mức thu nhập từ trên 100 triệu/ha/năm… Đào Thịnh còn rất nhiều gia đình có mức thu nhập tương đương như hộ gia đình bà Khuyên - Thính.

Người nông dân Hà Quảng có cuộc sống mới, tự tin hơn sau khi tham gia mô hình trồng gừng hữu cơ. (Ảnh: Ngô Kim).

Người nông dân Hà Quảng có cuộc sống mới, tự tin hơn sau khi tham gia mô hình trồng gừng hữu cơ. (Ảnh: Ngô Kim).

Thậm chí, TGĐ Vinasamex Nguyễn Thị Huyền còn cho biết, tại nhà máy ở Yên Bái, những công nhân trong khi làm việc vẫn thường trêu đùa nhau “người dân ở đây giờ chỉ cần có một đồi quế là sẽ sớm trở thành tỷ phú”. Bởi cách đây 10 năm, thu nhập bình quân của một hộ nông dân trồng quế chỉ là 7 triệu đồng/ha/năm, còn hiện nay, cao nhất có thể lên tới 150 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Chu Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh, đời sống người dân ở địa phương đã khởi sắc sau khi tham gia vào chuỗi liên kết của Vinasamex. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người rơi vào khoảng 30 triệu đồng/năm thì hiện nay đã tăng lên 60 - 62 triệu đồng/người/năm; Tỉ lệ hộ gia đình có nhà xây kiên cố đạt 98,98%; Tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 33% (thời điểm 2017) giảm xuống còn 0,2% (năm 2022) và Đào Thịnh đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Trấn Yên.

Tương tự, ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng), các báo cáo của địa phương trong vài năm gần đây đều khẳng định, cây gừng hữu cơ đã thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo và huyện vẫn đang tiếp tục cố gắng để nâng diện tích vùng trồng gừng hữu cơ trên địa bàn sớm đạt được mục tiêu 150ha vào năm 2025. Một báo cáo của Dace cho thấy, trong 5 năm liên kết xây dựng chuỗi giá trị với cộng đồng dân tộc Mông, Tày, Nùng, thu nhập của người dân tham gia mô hình liên kết tăng gấp 6 lần so với trước đây, số hộ nghèo giảm từ 96% năm 2016 xuống còn 65% năm 2020.

Những giá trị không thể đo đếm được

Mức thu nhập chỉ là một dấu hiệu trông thấy được của những đổi thay lớn lao ở những vùng đất khát, đất khô vùng cao phía Bắc. Còn những thứ thay đổi khác dù không thể “cân đong đo đếm” được nhưng ai cũng có thể cảm nhận được nếu đặt chân đến... Đó là sự tự tin của người dân vùng cao khi đứng trước những người khách ngoại quốc - vốn là các chuyên gia ở các tổ chức chứng nhận chất lượng lớn trên thế giới hoặc khách hàng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia; là tập quán thói quen sinh hoạt đặt bảo vệ môi trường lên hàng đầu...

Vinasamex và Dace mang câu chuyện về người nông dân vùng cao ra thế giới.

Vinasamex và Dace mang câu chuyện về người nông dân vùng cao ra thế giới.

Bà Nguyễn Thị Huyền kể lại, một lần bà cùng những người phụ nữ của xã Đào Thịnh “hộ tống” chuyên gia nước ngoài sang khảo sát vùng quế hữu cơ. Bất ngờ người khách Tây hỏi cảm nghĩ của người nông dân khi làm việc với Vinasamex, không ngần ngại, họ trả lời “vui lắm” rồi quay ra phía sau, nói với Tổng Giám đốc Vinasamex bằng thứ giọng vô cùng hồn nhiên của người dân tộc “Huyền ơi, tao cảm ơn mày nhé”.

Đó cũng là chia sẻ mà ông Chủ tịch xã Đào Thịnh nói với chúng tôi về một trong những đổi thay ở vùng đất vốn có xuất phát điểm khó trăm bề này. Ông Chu Xuân Hiền khẳng định: “Thu nhập chỉ là một phần nhìn thấy được thôi. Còn những đổi thay không thể đo đếm được như tư duy của cả cộng đồng về phát triển bền vững, rồi người nông dân được giao lưu với nhiều vùng miền khi các địa phương khác về xã khảo sát mô hình nông sản hữu cơ. Đặc biệt phải nhắc đến là phong cách làm việc, thái độ tiếp xúc của cộng đồng dân tộc vùng cao với người nước ngoài từ các quốc gia phát triển. Họ không còn một chút e dè, ngại ngần và tự ti nào nữa”.

Chưa hết, những người phụ nữ dân tộc ở đây cũng có thể nói một cách say sưa về những mô hình nông nghiệp hữu cơ, về những phương thức canh tác hữu cơ, về xu hướng phát triển bền vững… Đôi khi họ sẽ tác động đến người đối diện bằng những câu chuyện sống xanh, sống sạch tại địa bàn để khuyến khích những người đối diện cần thay đổi, để cùng nhau bảo vệ môi trường.

“Tôi cảm giác như những người nông dân ấy đã thực sự lột xác. Nhận thức của họ thay đổi từng năm một, từ một người nông dân dân tộc thiểu số chỉ biết làm theo phương thức canh tác truyền thống truyền đời mà nay hiểu được tiêu chuẩn quốc tế hữu cơ. Có thể họ sẽ không thể nói chính xác khái niệm hữu cơ, nhưng họ sẽ nói được cho mọi người hiểu về mô hình này” - TGĐ Vinasamex Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Lãnh đạo huyện Hà Quảng cũng khẳng định, kể từ khi tham gia mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, không chỉ đời sống người dân được nâng lên mà những con đường giao thông vốn rất khó khăn của các vùng đất khát cũng được đổi thay. Người nông dân đã biết giữ gìn môi trường, nhắc nhở nhau không vứt túi nilon bừa bãi ra ruộng, ra đường… Đáng chú ý, từ sự đổi thay về thu nhập, về lối sống và nhận thức của người nông dân đã ít nhiều tác động đến suy nghĩ về vai trò “công bộc của dân” của những cán bộ vùng cao, để họ thấy rằng “mình cũng cần phải đổi thay tích cực hơn, phải có những đề xuất táo bạo hơn để cùng với nông dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, mang lại bộ mặt mới cho những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Sau 10 năm gắn bó với vùng núi, Vinasamex và Dace đã sở hữu những vùng trồng hữu cơ vô cùng giá trị. Sản phẩm của Vinasamex, Dace đã xuất hiện tại tất cả các thị trường khó tính nhất với sản lượng hàng năm tăng trưởng khoảng 15 - 20%.

Sản phẩm của 2 công ty này luôn được khách hàng trả giá cao hơn, không chỉ vì chất lượng hữu cơ mà còn vì những tác động xã hội mà Vinasamex và Dace đã mang lại cho người dân tộc thiểu số vùng cao. Những sinh hoạt, phương thức canh tác và đổi thay của những người nông dân tại vùng trồng hữu cơ Hà Quảng và Trấn Yên luôn xuất hiện trong những câu chuyện mà các nhà mua lớn trên thế giới kể lại cho người tiêu dùng cuối cùng của họ.

Đọc thêm