Khai thác cát trên Sông Đà: Cần bảo vệ tài nguyên và quyền lợi người dân

(PLO) - Mặc dù phản ánh việc loạn khai thác cát trên sông Đà, nhưng chờ mãi mới thấy cơ quan chức năng vào cuộc khiến người dân vô cùng bức xúc.
Một số hoạt động khai thác cát tại hạ lưu sông Đà của Công ty Hùng Yến và Sahara
Một số hoạt động khai thác cát tại hạ lưu sông Đà của Công ty Hùng Yến và Sahara

Vi phạm địa điểm được cấp phép

Trước thực trạng sông Đà đoạn qua hai xã Hợp Thịnh và Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) từ ngày 10/4/2017 bị khai thác cát, sỏi, người dân bức xúc khiếu nại. Tuy nhiên, mãi đến ngày 4/5/2017, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hòa Bình (PC49), Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Kỳ Sơn mới kiểm tra, đánh giá thực trạng khai thác cát của Cty TNHH xây dựng Hùng Yến và Cty CP khai thác khoáng sản Sahara. 

Qua kiểm tra, Cty Hùng Yến có 12 tàu neo đậu phục vụ việc khai thác. Đoàn kiểm tra xác định địa điểm khai thác của Cty này sai lệch so với điểm đầu được cấp phép là 450m, sai lệch so với điểm cuối được cấp phép là 5,5m. Còn Cty Sahara có 18 tàu neo đậu phục vụ việc khai thác cát và sai lệch so với điểm cuối được cấp phép là 4,5m (dọc theo tuyến sông).

Tại Báo cáo số 61 ngày 4/5/2017, UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, trên sông Đà thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát lòng sông Đà; đó là, Cty Hùng Yến (tổ 25, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép ngày 11/12/2013, cho phép khai thác cát lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Hợp Thành với công suất 27.000m3/năm.

Sau khi được cấp phép, từ năm 2013 đến tháng 3/2017, Cty Hùng Yến tổ chức khai thác khoáng sản chỉ với 2-3 tàu, thuyền. Từ tháng 4/2017 đến nay thì khai thác rầm rộ, có ngày trên 10 tàu hoạt động. Còn Cty Sahara (khu 5, thị trấn Kỳ Sơn) được UBND tỉnh cấp phép khai thác ngày 21/4/2015 cho phép khai thác cát lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Thông, xã Hợp Thịnh với công suất 230.000 m3/năm; thời hạn đến năm 2039. Từ năm 2015 đến tháng 3/2017, Cty Sahara chỉ có 2 – 3 tàu tham gia khai thác, nhưng từ tháng 4/2017 đến nay thì tổ chức khai thác rầm rộ, có ngày trên 20 tàu.  

Cần vào cuộc xử lý nghiêm

Sáng 16/5, làm việc với phóng viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Sơn Đinh Trọng Tuấn, cho biết: Ngày 11/4/2017, sau khi nhận được báo cáo từ xã Hợp Thịnh, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Hợp Thịnh, trưởng các xóm Độc Lập, Tân Lập (xã Hợp Thịnh) lập biên bản làm việc với Cty Sahara. Đồng thời, báo cáo Phòng Khoáng sản (Sở TNMT tỉnh Hòa Bình) về việc khai thác cát của Cty này. 

Ông Tuấn nói: “Qua cuộc kiểm tra ngày 4/5/2017, hàng ngày, 2 Cty có khoảng trên 30 tàu quốc hoạt động. Thực trạng cho thấy 2 doanh nghiệp này vượt nhiều so với công suất cho phép khai thác trong năm, gây ảnh hưởng đến lưu vực sông, gây tiếng ồn ảnh hưởng cuộc sống của nhân dân”. 

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Cty Hùng Yến và Sahara đều không nộp bản đăng ký phương tiện khai thác cát về UBND huyện Kỳ Sơn mà UBND huyện này phải lên Thanh tra Sở TNMT mới có được. Tại cuộc kiểm tra, ngày 4/5/2017, số lượng phương tiện của hai cty đều vượt quá đăng ký trước đó.

Cùng với Báo cáo 61 ngày 4/5/2017, ngày 10/5/2017, UBND huyện Kỳ Sơn đã có công văn tăng cường công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi gửi 2 doanh nghiệp và UBND các xã Hợp Thịnh, Hợp Thành. 

Theo đó, yêu cầu Cty Sahara và Cty Hùng Yến chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và quy định trong cấp phép khai thác cát tại khu vực mỏ được cấp phép khi tổ chức khai thác cát. UBND 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh giám sát thời gian hoạt động của 2 doanh nghiệp, tàu thuyền khai thác đúng quy định, nghiêm cấm việc hoạt động khai thác vào ban đêm. Một số bãi cát phát sinh không được cấp phép yêu cầu Chủ tịch UBND 2 xã kiểm tra, giải quyết, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo UBND huyện.  

Tình trạng khai thác cát đang trở thành vấn đề “nóng” trên khu vực hạ lưu công trình Thuỷ điện Hoà Bình, nhất là địa bàn 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) với số lượng tàu khai thác cát có lúc hơn 50 chiếc và hầu như hoạt động suốt ngày, đêm. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên, khoán sản của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

Đọc thêm