Khai thác cát trên Sông Đà: Dân không biết đâu mà lần!

(PLO) - Liên tục một tháng nay, người dân các xã Hợp Thành và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) vô cùng bức xúc trước tình trạng hàng chục tàu khai thác cát, sỏi hoạt động ồ ạt trên sông Đà mà không phân biệt đâu có phép, đâu thì không…
Các tàu hút và chở cát của Công ty Hùng Yến tập trung trên sông Đà tại xã Hợp Thịnh
Các tàu hút và chở cát của Công ty Hùng Yến tập trung trên sông Đà tại xã Hợp Thịnh

Khai thác cát cả ngày lẫn đêm

Có mặt tại đoạn bờ sông Đà giáp ranh giữa hai xã Hợp Thịnh và Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn) sáng 14/5, phóng viên ghi nhận rất nhiều tàu đang khai thác cát dọc hai bên sông. “Thường xuyên có từ 5 - 7 tàu hút cát, còn hai bờ sông là các bãi tập kết để đổ cát lên”, anh H. (trú tại xóm Thông, xã Hợp Thịnh) cho hay.

Cũng theo người dân này, nhiều đoạn sông Đà qua xã Hợp Thịnh và Hợp Thành nhiều tàu khai thác chọc vòi hút vào bờ khiến bờ bị rỗng, đất sụp xuống khiến đồng ruộng, hoa màu của người dân đang canh tác bị cuốn trôi. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khai thác cát tại xã Hợp Thịnh có hai doanh  nghiệp có “máu mặt” là Cty Khai khoáng Sahara (Cty Sahara) và Cty TNHH Xây dựng Hùng Yến (Cty Hùng Yến). 

Về số lượng tàu và các phương tiện khai thác cát, theo Bản đăng ký số 369/ĐK ngày 4/5/2017 của Cty Sahara gửi các cơ quan chức năng, Cty này có số lượng phương tiện khai thác thường xuyên khoảng 15 tàu, thời điểm khai thác từ 5h đến 19h cùng ngày. Trong khi số lượng phương tiện của Cty Hùng Yến là 3 tàu.

Thực trạng đáng lo ngại

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên đã làm việc với ông Đồng Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh. Ông Tám cho hay: “Ngày 10/4/2017, nhận được phản ánh của người dân tại các xóm Trung Thành A, Trung Thành B, Thông và Tân Lập về việc hàng chục tàu khai thác và vận chuyển cát, sỏi rầm rộ kéo đến địa bàn xã khai thác cát, tôi đã cử cán bộ chuyên trách xuống nắm bắt tình hình”.

Ông Tám cho biết, thời điểm ngày 10/4, số lượng tàu lên tới hơn 40 chiếc, toàn tàu loại lớn chở cát của Cty Sahara. “Khi tôi xuống làm việc, họ đưa ra giấy phép được UBND tỉnh cấp thì địa bàn mà họ khai thác cát ảnh hưởng tới 11/13 xóm của xã; đáng lo ngại nhất là Tân Lập, xóm này ngay sát bờ sông Đà. Nếu tình trạng khai thác cát ồ ạt như một tháng qua, khu dân cư ở đây chắc chắn bị ảnh hưởng lớn”.

Ông Tám cung cấp thêm, khi cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình xuống địa phương để chính quyền xã Hợp Thịnh nắm được dự án khai thác cát đã được triển khai, cán bộ UBND xã Hợp Thịnh phát hiện trong tổng số 75ha thuộc dự án khai thác cát của Cty Sahara có 3,5ha chồng lấn lên diện tích đất trồng ngô của người dân. Sau khi UBND xã Hợp Thịnh phản ánh, quy mô của dự án cấp phép khai thác cát cho Cty này được điều chỉnh xuống còn 71,5ha.

“UBND xã thực chất không có thẩm quyền để giải quyết các phản ánh của người dân về tình trạng khai thác cát của các Cty trên địa bàn. Chúng tôi cũng không có phương tiện để giám sát họ, việc các tàu hút bao nhiêu cát, sâu bao nhiêu, nhiều như thế nào chúng tôi hoàn toàn không nắm được”, ông Tám nói.

Người đứng đầu chính quyền địa phương ở đây bày tỏ: “Trước việc khai thác ồ ạt, chúng tôi và người dân mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc khai thác theo giấy phép mà các công ty đang có, tránh việc lợi dụng mở rộng khai thác vào những chỗ gây nguy hiểm cho người dân”. 

Tại cuộc họp ngày 7/3/2017, phát biểu về tình hình khai thác cát sỏi trái phép, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này. “Đằng sau hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép là bóng dáng của tội phạm có tổ chức. Do đó, cần một quyết tâm lớn của các cấp, các ngành với các giải pháp đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi cho được tình trạng này. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý người đứng đầu, phát hiện người nào bảo kê, tiếp tay, bao che thì tuỳ tính chất mà xử lý nghiêm minh theo quy định”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc thêm