Cơ hội trong nghịch cảnh
Tại Hội thảo “Thương mại quốc tế theo Hiệp định EVFTA trong đại dịch Covid-19: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với hơn 20 đối tác trong và ngoài nước tổ chức, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng nhận định, đại dịch Covid-19 là nghịch cảnh bất ngờ, chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng tới tất cả các khu vực trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia phải chịu thiệt hại nặng nề cả về con người và kinh tế.
Ngày 18/6, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao các Công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cho Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội.
Đối với Việt Nam, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân, Việt Nam hiện đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đang bắt đầu công cuộc tái khởi động nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”.
“EVFTA (dự kiến sẽ có hiệu lực ngày 1/8 tới) sẽ là một hướng đi sáng cho các doanh nghiệp (DN) trong quá trình nỗ lực thay đổi để thâm nhập vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng EU” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, EVFTA sẽ mang đến 4 tác động cơ bản với Việt Nam:
Thứ nhất, EVFTA sẽ mở cửa thị trường, là cú hích rất lớn cho xuất khẩu (XK) của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK.
Thứ hai, cùng với nhiều FTA khác, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút FDI từ các công ty mới. Bên cạnh sự song hành của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA), EVFTA càng mang tính khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á.
Thứ ba, về dài hạn, cũng giống như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực về mọi mặt. Tuy nhiên, EVFTA lại làm giảm rào cản thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trên tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. EVFTA cũng sẽ giúp hiện đại hóa khung pháp lý của Việt Nam, củng cố môi trường thương mại và đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm và thúc đẩy XK sang thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng.
Thứ tư, lộ trình giảm thuế và cam kết cắt giảm thuế trong EVFTA cũng sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các quy định về thuế trong EVFTA chính là động lực cho Việt Nam hưởng lợi không chỉ trong XK, mà còn mở ra cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu, tiếp cận với những loại máy móc, công nghệ hiện đại, tiên tiến của EU.
Doanh nghiệp phải “biết người, biết ta…”
Khẳng định đây là thời điểm để biến khó khăn thành động lực phát triển, động lực cải cách, động lực chuyển đổi, song nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội không tự nhiên mà có,...
Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng đặc biệt lưu ý, trong sân chơi mới, các DN cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới.
Theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam vẫn còn những rào cản về kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ, vấn đề lao động, môi trường... Vì vậy, cùng với nỗ lực của các cơ quan nhà nước, DN cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về Hiệp định này.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), bà Nguyễn Thu Trang lưu ý, EU vẫn là thị trường đầy tiềm năng và đang thay đổi do ảnh hưởng từ Covid-19. Theo đó, thị trường EU luôn đưa ra những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Không những thế, người tiêu dùng tại thị trường này cũng “khó tính” khi chỉ lựa chọn những sản phẩm đạt chỉ tiêu quốc tế, đạt các tiêu chuẩn điều kiện về lao động, đạo đức, văn hóa…
“Vì thế, khi dịch Covid-19 bùng phát, những điều kiện này của thị trường EU sẽ càng khắt khe hơn. Chưa kể đến những thay đổi về nhu cầu thị trường, như tổng cầu trước mắt sẽ yếu hơn, về lâu dài thì cũng phục hồi chậm; tiêu chí lựa chọn, kiểm soát hàng hóa của người tiêu dùng có thể thay đổi…” - bà Trang lưu ý.
Theo Chủ tịch VIAC, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, khi DN Việt Nam muốn thâm nhập vào một thị trường mới, mà trước đó chưa có kinh nghiệm thì việc tìm hiểu về các thông lệ của thị trường là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, DN cần “nhập gia tuỳ tục”, hiểu biết rõ thị trường mới để phòng ngừa các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế.
Luật sư Huỳnh lưu ý, EU là thị trường thương mại hàng hoá đã được hình thành lâu đời, với nhiều thói quen, tập quán thương mại hàng trăm năm, thậm chí trở thành các chuẩn mực thương mại của một số ngành nghề. Vì vậy, thông lệ khi thoả thuận về việc giao nhận ngoại thương, thói quen sử dụng luật sư khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng hay thói quen sử dụng các phương thức tranh chấp và hoà giải các tranh chấp thương mại quốc tế là những thông tin quan trọng mà DN Việt Nam cần biết và chủ động…
Luật sư Đặng Việt Anh, Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập đưa ra 3 lưu ý nằm lòng để DN Việt Nam phòng tránh rủi ro pháp lý khi làm việc với các DN EU:
- “Nhập gia tùy tục” - Tìm hiểu cách thức làm ăn của đối tác, tìm hiểu kỹ về các quy định của EU, pháp luật của các quốc gia cụ thể trong EU, tập quán thương mại của đối tác;
- Tham vấn luật sư về Hợp đồng mua bán, giúp phòng tránh rủi ro pháp lý, xử lý tốt các tranh cấp nếu có;
- Lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp và tham gia quá trình giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình…
Luật sư Đặng Việt Anh khuyến nghị, với việc sử dụng hiệu quả trọng tài thương mại, hòa giải thương mại... sẽ giúp DN tránh được rủi ro tốn kém chi phí, tiền bạc khi phát sinh tranh chấp trong thương mại quốc tế.