Khai thác tài sản trí tuệ, thúc đẩy du lịch

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Tài sản trí tuệ là một dạng tài nguyên du lịch quý giá. Tuy nhiên, khai thác các tài sản trí tuệ một cách bền vững và hiệu quả trong du lịch vẫn là vấn đề bỏ ngỏ.

Huế thành công tạo dựng nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”.
Huế thành công tạo dựng nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”.

Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong du lịch

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhiều địa phương du lịch trên thế giới đã chú trọng đầu tư và phát triển những tên gọi thành biểu tượng văn hoá, nhằm khai thác tối đa giá trị của các tài sản trí tuệ cho việc phát triển du lịch bền vững.

Trên thực tế, tài sản trí tuệ rất đa dạng, bao gồm những tên gọi gắn với địa danh hoặc gắn với các nguồn tài nguyên tự nhiên và cả những sản phẩm và tri thức truyền thống gắn với một khu vực bản địa. Những tài sản trí tuệ này được đánh giá là góp phần xây dựng nên những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc vùng, độc đáo và khác biệt so với những khu vực khác.

Tại Việt Nam, khái niệm sở hữu trí tuệ mới xuất hiện những năm gần đây trong ngành Du lịch, nhưng cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng tầm. Tuy nhiên, một số địa phương đã thành công khơi dậy tiềm năng về tài sản trí tuệ địa phương, đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần tạo ra sự phát triển du lịch bền vững.

Đơn cử, tại Thừa Thiên - Huế đã hình thành các tài sản trí tuệ như: chỉ dẫn địa lý “nón lá Huế”; chỉ dẫn địa lý “dầu tràm Huế”; nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vải Dèng huyện A Lưới; nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế”; nhãn hiệu tập thể “Sen Huế”; nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”; nhãn hiệu chứng nhận cho điểm đến du lịch “Chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn”…

Ngành Du lịch Thủ đô cũng nhận thấy tầm quan trọng của các tài sản trí tuệ trong những năm gầy đây. “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” do UBND TP Hà Nội phê duyệt qua Quyết định số 3567/QĐ-UBND vào ngày 16/7/2021, đã đặt ra chi tiêu đến năm 2025 tối thiểu 40% và 2030 là 60% sản phẩm, dịch vụ (du lịch, tài chính,...) chủ lực, đặc thù của thành phố và các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Theo đó, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội”.

Tại đây, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đã khẳng định: “Để du lịch Hà Nội phát triển và trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của Việt Nam, ngoài việc phải tìm ra điểm khác biệt để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch cũng là một công cụ đắc lực trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch”.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy góp ý: “Cần phải lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch; nên xây dựng thương hiệu điểm đến “Du lịch Thủ đô/Du lịch Hà Nội” có bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng”.

Cần xây dựng thương hiệu điểm đến “Du lịch Thủ đô/Du lịch Hà Nội” có bộ nhận diện đặc trưng. (Ảnh minh họa)

Cần xây dựng thương hiệu điểm đến “Du lịch Thủ đô/Du lịch Hà Nội” có bộ nhận diện đặc trưng. (Ảnh minh họa)

Cần lộ trình cụ thể, thống nhất

Nhiều chuyên gia cho rằng, các thương hiệu du lịch hiện nay chủ yếu được bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một biểu tượng chung của khu vực địa lý và chưa được quản lý, khai thác như một dạng tài sản công để phát huy giá trị kinh tế. Nhiều địa phương sau khi tạo lập tài sản trí tuệ đã không quản lý, khai thác hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí không ít tài sản trí tuệ dù đã được nhận diện thương hiệu nhưng không thể mở rộng trên thị trường, khiến dần dần bị mai một, lãng quên.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy cũng khẳng định, cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Và cũng cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.

Tại Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2020 về “Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, quan điểm “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” một cách bền vững và chuyên nghiệp, đòi hỏi nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong số đó bao gồm nhiệm vụ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh du lịch”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu mô hình khai thác phù hợp, xác định trách nhiệm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các tài sản trí tuệ là cơ quan quản lý, chủ sở hữu tài sản trí tuệ hay xã hội hóa. Đồng thời, xây dựng các thể chế, chính sách, lộ trình khai thác thống nhất đối với tài sản trí tuệ địa phương nhằm phát triển du lịch.

Đọc thêm