Ngày 21/4, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua dự thảo Đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc thành tỉnh Phú Thọ.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: L.C |
Theo đó, tỉnh Phú Thọ sau khi được sáp nhập có diện tích tự nhiên trên 9.361 km2, quy mô dân số trên 4,1 triệu người và 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ được đặt tại thành phố Việt Trì hiện nay.
Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp 3 tỉnh gồm: Về tổ chức Đảng: Hợp nhất các Đảng bộ 3 tỉnh, thành lập 1 Đảng bộ tỉnh mới - Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.
Về tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội: Hợp nhất các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của 3 tỉnh, việc thành lập, kiện toàn BCH, BTV, các chức danh lãnh đạo chủ chốt theo Điều lệ của từng tổ chức và hướng dẫn của Trung ương.
Về HĐND cấp tỉnh: Thực hiện nguyên trạng các cơ quan của HĐND, các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND của 3 tỉnh.
Về UBND tỉnh: Kiện toàn tổ chức UBND tỉnh của 3 tỉnh, kiện toàn các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND tỉnh theo quy định của Trung ương.
Việc rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các sở và tương đương phải đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn, gắn với tinh giản biên chế theo lộ trình.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị và tầm nhìn dài hạn của Đảng, Nhà nước trong xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, nâng cao hiệu quả điều hành, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, chuyển đổi số, phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững.
Đồng thời, khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của 3 địa phương, là lợi thế công nghiệp của Vĩnh Phúc; tiềm năng du lịch, năng lượng, nông nghiệp của Hòa Bình và vị trí giao thông, lịch sử văn hóa đặc sắc của Phú Thọ để tạo nên một tỉnh mới có cấu trúc kinh tế cân bằng, hấp dẫn đầu tư, giàu bản sắc và phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình giao: Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung đảm bảo theo đúng tiến độ của Đề án.
Giao Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy xây dựng Đề án tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp xã; Đề án thành lập các cơ quan chuyên môn của HĐND, UBND cấp xã; Đề án các cơ quan giúp việc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ bộ máy đi vào vận hành khi có quyết định.