Như vậy, sau gần 7 năm về tay Thế Giới Di Động, thương hiệu này chính thức biến mất trên thị trường. Doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lý giải động thái nhằm tái cơ cấu công ty con để tối ưu vận hành, nhưng thực tế chuỗi điện máy này đã không còn hoạt động kể từ năm 2018.
Được biết, tính từ năm 2018 đến năm 2023, Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh đang có lỗ luỹ kế 46,92 tỷ đồng. Trong đó, Thế giới Di động đã đầu tư 860,94 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh để nắm giữ 99,33% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh là doanh nghiệp từng sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh nổi tiếng và là nhà phân phối bậc nhất trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc.
Giai đoạn 2007-2017, doanh thu của công ty này tăng trưởng dần đều và đạt mức kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2016.
Mức lợi nhuận cao nhất của Trần Anh là 60 tỷ đồng, vào năm 2011. Tuy nhiên, do mở rộng quy mô quá nhanh nên những năm sau đó, lợi nhuận dần thu hẹp và công ty thua lỗ hơn 60 tỷ đồng trong năm 2017.
Tháng 1/2018, Thế giới Di động mua lại 99,3% vốn của Trần Anh, với hệ thống hơn 30 siêu thị. Sau đó, Trần Anh chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức hợp tác với Thế giới Di động, thông qua việc ghi nhận doanh thu là cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Hàng tồn kho không còn được ghi nhận và tài sản chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng để lấy lãi hằng năm.
Từ năm 2019 đến năm 2022 - năm cuối cùng công bố báo cáo tài chính, công ty chỉ thu khoảng hơn 100 tỷ đồng từ việc bán hàng, chi phí bán hàng và quản lý về 0. Lợi nhuận của doanh nghiệp chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với hơn chục tỷ đồng mỗi năm.
Thế giới số Trần Anh từng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2010 với mã TAG nhưng đến năm 2018 thì bị hủy niêm yết. Sau đó, TAG được chuyển sang giao dịch trên UPCoM, rồi bị hủy tư cách công ty đại chúng từ tháng 10/2022 do cơ cấu cổ đông không đáp ứng quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, Thế giới Di động liên tục đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc từ giữa năm 2023 để tối ưu chi phí, duy trì lợi nhuận trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn.
Trước đó, Thế giới Di động đã thông qua việc giải thể Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín và Công ty cổ phần 4KFarm với lý do tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Hồi giữa năm nay, Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã giải thể hai công ty con gồm: Logistics Toàn Tín (trụ sở TP HCM) và 4KFarm (trụ sở Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thời điểm ra mắt, hai doanh nghiệp này từng mang theo kỳ vọng về cải tiến hệ thống logistics, mô hình trồng rau sạch được kết hợp công nghệ hiện đại. Để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng tái cấu trúc đồng loạt. Theo đó, ghi nhận tới giữa năm 2024, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động - Topzone bị giảm 134 cửa hàng trong vòng một năm nay, còn 1.046 cửa hàng.
Tương tự, chuỗi Điện Máy Xanh đóng 196 cửa hàng, còn 2.093. Hệ thống An Khang đóng cửa tới 45 nhà thuốc hồi tháng 6 vừa qua, dự kiến đến cuối năm lùi về còn 300 nhà thuốc.
Trần Anh từng là chuỗi điện máy hàng đầu miền Bắc, cạnh tranh trực tiếp với Pico. |
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 34.134,07 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.172,38 tỷ đồng, tăng 66,34 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,5% lên 21,4%.
Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 65.620,56 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075,36 tỷ đồng, tăng 52,63 lần so với cùng kỳ.
Năm 2024, Thế giới Di động đặt kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.400 tỷ đồng, tăng 13,29 lần so với thực hiện trong năm 2023. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi ghi nhận 2.075,36 tỷ đồng, Thế giới Di động đã hoàn thành được 86,5% so với kế hoạch năm.