Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn qua những tuyến du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Được thành lập từ năm 2021, Công viên địa chất Lạng Sơn đang được tỉnh Lạng Sơn kỳ vọng phát triển du lịch bền vững dựa vào các giá trị cốt thông qua xây dựng 4 tuyến du lịch với 38 điểm đến.
Công viên địa chất Lạng Sơn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Ảnh: CVĐC
Công viên địa chất Lạng Sơn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Ảnh: CVĐC

Chiều 2/4 tại Hà Nội, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH Viện Phát triển du lịch bền vững Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm và ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cùng gần 40 công ty du lịch là thành viên của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và của tỉnh Lạng Sơn.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Ngọc Nga

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Ngọc Nga

Khai thác phát triển du lịch bền vững

Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

“Hiện nay chúng tôi đã trình bộ Hồ sơ lên UNESCO và đang hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững”, bà Hương cho biết.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Nga

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Nga

Bà Hương lấy dẫn chứng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch dựa trên các giá trị của công viên địa chất, điển hình như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2010, Hà Giang được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu thì chỉ sau 1 năm số lượng khách du lịch đến với Hà Giang (năm 2011) đã đạt 330.000 lượt khách. Bên cạnh đó, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 337 tỷ đồng và đến năm 2023 khách du lịch đến với Hà Giang đã đạt trên 3 triệu lượt khách với doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 7,1 nghìn tỷ đồng, đóng góp 14,6% GDP của Hà Giang.

Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế bền vững của địa phương dựa vào thế mạnh Công viên địa chất.

Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Ảnh: CVĐC

Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Ảnh: CVĐC

Giá trị khác biệt của Công viên địa chất Lạng Sơn với các công viên địa chất khác của Việt Nam đó là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Các ngôi đền tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn phần lớn đều nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất, trong đó tập trung nhiều và phổ biến nhất là huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Đây là tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của Công viên địa chất Lạng Sơn. Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như: Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (huyện Chi Lăng); chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)…

Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng

Tại tọa đàm, bà Hương nhấn mạnh, với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, các tuyến, điểm du lịch tại Công viên địa chất đang được tập trung xây dựng trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, với các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

“Có tổng cộng 4 tuyến với 38 điểm du lịch đang được triển khai. Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục đường quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279 thuận tiện. Mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan đa dạng khác nhau”, bà Hương chia sẻ.

Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Ảnh: CVĐC

Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Ảnh: CVĐC

Khám phá thế giới Thượng Ngàn là hành trình tham quan đầu tiên gắn với màu áo Xanh của Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Tuyến du lịch này có 8 điểm, quãng đường khoảng 120 km, khởi nguồn từ đền Bắc Lệ của huyện Hữu Lũng vốn là địa điểm nổi tiếng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, nơi đặt Trung tâm thông tin Công viên địa chất.

Hành trình về miền Thiên giới là tuyến du lịch số 2 gắn với màu áo Đỏ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với 11 điểm tham quan, quãng đường khoảng 130 km. Mở đầu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn anh hùng.

Cuộc sống dân dã nơi trần thế là tuyến du lịch số 3 gắn với màu Vàng đặc trưng của tượng đồng nguyên bản các vị Thánh Mẫu. Có 9 điểm tham quan trên hành trình khoảng 130 km, khởi nguồn từ huyện Bắc Sơn.

Khám phá Thủy cung là chủ đề của tuyến du lịch số 4, gắn với màu áo Trắng của Thánh Mẫu Thoải, có 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80 km. Bắt đầu từ chùa Tam Thanh, theo quốc lộ 4B đi về hướng Lộc Bình. Hành trình còn qua các điểm thác Bản Khiếng, chùa Tiên, đền Mẫu Thoải linh thiêng…

Cuối chương trình đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn với các doanh nghiệp du lịch.

Cuối chương trình đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn với các doanh nghiệp du lịch.

Tại Tọa đàm, bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch của một số doanh nghiệp, các công ty lữ hành cũng đã đóng góp ý kiến cho Lạng Sơn để đảm bảo các tour- tuyến và điểm đến khi đưa vào khai thác sẽ đạt chất lượng cao nhất, thỏa mãn nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách.

Đồng thời, cuối chương trình đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn với các doanh nghiệp du lịch. Qua đó, mở ra nhiều triển vọng cho mạng lưới đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn, quảng bá, khai thác, phát triển hiệu quả các tuyến, điểm du lịch Công viên địa chất​​​​​​​ Lạng Sơn.

Đọc thêm