Khám phá đất rừng U Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến với Cà Mau, du khách có thể tham gia chuyến du lịch cộng đồng rừng U Minh Hạ (huyện U Minh) với rất nhiều hoạt động thú vị dành cho những người yêu thích khám phá tự nhiên và vẻ hoang sơ của vùng sông nước.

Trải nghiệm thú vị rừng ngập ngọt U Minh Hạ

Đất rừng U Minh hạ có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.

Đất rừng U Minh hạ có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.

Nói đến U Minh, người ta thường nghĩ đến rừng tràm, cây tràm không chỉ là cây đặc trưng cho địa danh U Minh mà còn có những giá trị lớn lao khác. Đất rừng U Minh có trữ lượng lớn gỗ tràm, các loài động thực vật và khoáng sản quý hiếm dưới tán rừng. Đồng thời, là điểm du lịch như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, KDL sinh thái Sông Trẹm, KDL Hương Tràm, KDL Hoa rừng U Minh, Vườn cây ăn trái Ba Liêm,… đặc biệt đã thu hút nhiều khách du lịch gần xa.

Khu du lịch sinh thái Hương Tràm được hình thành trên diện tích 30 ha, trước đây, một phần đất để trồng keo lai, một phần thì cỏ dại mọc nhiều hơn cây gỗ nhưng nay 20 ha rừng tràm đã được tái tạo. Hệ sinh thái dần được phục hồi, thu hút du khách tìm đến trải nghiệm và thưởng thức các sản vật tự nhiên dưới tán rừng.

Ông Giang Hoàng Hon - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hương Tràm mở tour đưa khách đi tham quan Vườn Quốc gia U Minh hạ bằng xuồng máy, rồi đi tham quan gác kèo ong mật, đặc biệt khi vào mùa khô. Đơn vị cũng khai thác một số trò chơi dân gian mới, cùng với gác kèo ong thì đi câu cá đồng cũng là sản phẩm thu hút du khách.

Khu du lịch sinh thái Hương Tràm thu hút du khách tìm đến trải nghiệm và thưởng thức các sản vật tự nhiên dưới tán rừng.

Khu du lịch sinh thái Hương Tràm thu hút du khách tìm đến trải nghiệm và thưởng thức các sản vật tự nhiên dưới tán rừng.

Định hướng của tỉnh Cà Mau là phát triển du lịch xanh; trong đó, vùng đất rừng U Minh có ưu thế rất lớn. Người dân nơi đây cùng cơ quan chức năng địa phương đang tận dụng và nâng tầm các sản vật vốn có để phát triển du lịch sinh thái. Các sản vật đất rừng nhờ du lịch mà ngày càng có giá trị hơn. Mối quan hệ tương hỗ này đang góp phần đưa kinh tế đất rừng U Minh phát triển.

Chị Lý Thanh Tuyền (khách du lịch, TP Sóc Trăng) bày tỏ: “Đến với du lịch rừng ngập ngọt, cụ thể là Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh), mình ấn tượng với gác kèo ong và đặt lợp, bắt cá. Có những tổ ong cho mật rất ngon, rất ấn tượng”.

Đặc biệt, trong đó có những đặc sản nổi tiếng ở huyện U Minh như: Mật ong, cam Ba Tình, chuối sấy dẻo Minh Quân, tôm khô và tôm khô xẻ, chả cá phi, dâu Cái Tàu, rượu trái giác, cá lóc đồng nướng trui, lươn um rau ngổ, lẩu mắm U Minh,… đồng thời, khẳng định giá trị các sản vật của rừng U Minh, đóng góp quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Trần Ngọc Thảo - Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty lâm nghiệp U Minh), cho biết: “Đến với rừng ngập ngọt U Minh Hạ, du khách có thể đi bộ xuyên rừng hoặc xuống vỏ lãi trải nghiệm đặt lợp bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn, tham quan khu rừng đặc dụng được bảo tồn nguyên sinh hít thở bầu không khí mát mẻ… Ngoài ra, du khách còn trải nghiệm ngồi trên chiếc phà tại khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc Ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh). Đặc biệt, được thiết kế với những căn chòi thủy tạ nằm trên những con kênh, có chòi thì len lỏi trong những tán rừng tràm để thưởng thức những món ăn dân dã như đọt choại luộc, mắm cá lóc kho, mắm ong, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ ăn với đọt choại xào, lươn nấu canh chua trái giác, rắn hổ hành nấu cháo, gỏi nhộng ong non… mang đậm phong cách thuở khai hoang mở cõi”.

Với nhiều du khách, có những vùng đất dù chưa đến cũng đã gây xúc động, một khi đã chạm đến rồi thì lưu luyến không muốn chia tay, trường hợp này có thể đúng với Cà Mau. Ở một vị trí tận cùng xa xôi của Tổ quốc, hãy đến một lần để cảm nhận cái hồn thiêng đất nước, khi ra về đừng quên mang theo những đặc sản thơm ngon làm quà, như là một sự nhắn gửi của những con người đôn hậu mến khách nơi cuối trời, giống lời một bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn.

“Để chúng mình giả từ cùng nhau Lưu luyến bao ân tình khung trời Cà Mau”.

Đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, gắn với du lịch

Sản phẩm OCOP cam sành (nông trại 3 Tình, ấp 16, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) đạt 3 sao.

Sản phẩm OCOP cam sành (nông trại 3 Tình, ấp 16, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) đạt 3 sao.

Anh Nguyễn Văn Tình (Chủ Nông trại cam 3 Tình, ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) chia sẻ: “Ðể có được trái cam ngon, trước hết nông dân phải biết vùng đất, cách trồng, chăm sóc cây cam. Mình muốn tạo ra từ sản phẩm đến thương hiệu thật sự gần gũi, thân thiện với người tiêu dùng trong nước, cái gì tốt mình đem giới thiệu cho người thân, bạn bè hay người dân mình dùng trước. Người tiêu dùng giờ hay có suy nghĩ vào siêu thị mua trái cây “ngoại” mới an tâm về độ ngon và sạch, trong khi rõ ràng, mỗi vùng đất đều có thể tạo ra nông sản sạch cho người dân nước mình sử dụng”.

Sau khi tham gia OCOP và được cấp chứng nhận đạt chuẩn 3 sao, sản phẩm Cam sành - Nông trại 3 Tình được nhiều người biết đến hơn, lượng bán ra nhiều hơn, thị trường cũng rộng nhiều hơn.

Ông Lê Hồng Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: “Cam Ba Tình đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao OCOP, đã làm phong phú thêm cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn xã cùng với sản phẩm mật ong, chuối sấy dẻo Minh Quân, Rượu trái giác 5 Quốc. Trước đó, sản phẩm Rượu trái giác 5 Quốc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cấp Chứng nhận bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014.

Đây là sản phẩm chất lượng được nhiều người biết đến và tin dùng. Các sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP đã góp phần khẳng định giá trị các sản vật của rừng U Minh, đóng góp quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại xã, là động lực để huyện tiếp tục mở rộng, phát triển nhiều hơn các sản phẩm đặc trưng và chất lượng”.

Cùng với những sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP trong thời gian qua, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP huyện U Minh trong thời gian tới còn rất nhiều. Tuy nhiên, huyện không làm dàn trải mà tập trung những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đó là sản phẩm “Mật ong rừng U Minh” vì mặt hàng này đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản Cà Mau, nổi tiếng với chất lượng khó nơi nào sánh được.

Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản Cà Mau, nổi tiếng với chất lượng khó nơi nào sánh được.

“Việc khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể Mật ong rừng U Minh chưa nhiều, chưa có sản phẩm đạt yêu cầu số lượng cũng như chất lượng để cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Do đó, huyện sẽ tập trung phát triển sản phẩm này trong thời gian tới, chính vì thế mà huyện sẽ chỉ đạo Cơ quan chuyên môn hỗ trợ chủ thể hoàn thành quy trình thủ tục để đưa ra Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP năm 2022.

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, UBND huyện tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch và triển khai hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục cho những chủ thể có sản phẩm tiềm năng, chất lượng đủ chuẩn để được công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời phối hợp các Sở, ngành tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, ổn định tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP tạo động lực cho các chủ thể mới”– ông Lê Hồng Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh nhấn mạnh.

Năm 2021, huyện U Minh đạt 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: Tôm khô Roxa Foods; Tôm xẻ Roxa Foods của Công ty Rồng Xanh (xã Khánh An); Chuối sấy dẻo của cơ sở Minh Quân; Cam sành - Nông trại 3 Tình; Rượu trái giác 5 Quốc (Công ty TNHH Huỳnh Quốc Sơn, xã Khánh Thuận), đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông sản thực phẩm tiêu thụ trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

Hiện nay, các sản phẩm trên có chỗ đứng nhất định trên thị trường hàng hóa, ngoài những Trung tâm trưng bày sản phẩm và các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh thì các nhà phân phối lớn hiện nay như: Co.opmart; AEON Citimart; Big C,… cũng tham gia tiêu thụ các mặt hàng OCOP của huyện.

Đọc thêm