Phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch sinh thái Đất Mũi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đất Mũi đang tạo mọi điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là vùng đất có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú về chủng loại và nổi tiếng với rừng đước bạt ngàn. Nơi đây còn có khu vực bãi bồi lấn dần ra biển; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, với nhiều công trình nổi bật như: Biểu tượng cột cờ Hà Nội, cột mốc tọa độ quốc gia GPS0001,… đặc biệt thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng

Du khách thích thú trải nghiệm đi bộ xuyên rừng ngập mặn.

Du khách thích thú trải nghiệm đi bộ xuyên rừng ngập mặn.

Để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, địa phương cũng đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cấp, trùng tu các khu di tích,… Ngoài ra, có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển cơ sở vật chất tại các khu du lịch như: Xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí,…

Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,… Bên cạnh đó, sản phẩm quà tặng lưu niệm và các sản phẩm ẩm thực đặc trưng từng bước tạo sự hấp dẫn và thu hút đối với du khách. Hoạt động lữ hành được kết nối thông suốt, đảm bảo các tour vận chuyển khách từ các địa phương trong và ngoài nước về các khu du lịch trên địa bàn huyện tham quan, trải nghiệm.

Đi canô ngắm cảnh sông nước là mô hình dịch vụ thu hút khách du lịch gần xa tại Đất Mũi.

Đi canô ngắm cảnh sông nước là mô hình dịch vụ thu hút khách du lịch gần xa tại Đất Mũi.

Hiện nay, các khu du lịch sinh thái cộng đồng Đất Mũi đang ngày càng phát triển hiệu quả. Nhờ địa phương tạo điều kiện thuận lợi nên các hộ dân đã biết tận dụng lợi thế sẵn có và có nhiều cách làm hay để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện có 07 hộ dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư xây dựng điểm tham quan và cung cấp các sản phẩm du lịch. Trong đó, có phục vụ khách du lịch nghỉ qua đêm để trải nghiệm xổ vuông, bắt ba khía, đặt lọp cua,… Ngoài ra, còn phục vụ khách tham quan tuyến xuyên rừng.

Ông Nguyễn Văn Nhuần - Chủ khu du lịch sinh thái cộng đồng Tư Nhuần (Ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Năm 2014, tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn hơn 800 triệu đồng để thực hiện mô hình du lịch cộng đồng. Do mới đi vào hoạt động trong lĩnh vực du lịch nên tôi gặp một số khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho tôi đi tham quan các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài, mở lớp tập huấn về du lịch,… nên đã giúp người làm du lịch như tôi có thêm nhiều kiến thức, nảy sinh nhiều ý tưởng mới, nắm bắt được phương pháp phục vụ khách du lịch được tốt hơn, chuyên nghiệp hơn”.

Một góc khu du lịch sinh thái cộng đồng Tư Nhuần (Ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Một góc khu du lịch sinh thái cộng đồng Tư Nhuần (Ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

“Từ mô hình hoạt động du lịch cộng đồng của gia đình được phát triển ổn định. Mong rằng, trong thời gian tới, khu du lịch cộng đồng Đất Mũi của chúng tôi sẽ được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến” - Ông Nguyễn Văn Nhuần chia sẻ.

Chị Hoàng Minh Hằng (du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Khi đến du lịch tại Đất Mũi – Cà Mau, tôi cảm thấy rất thích thú, nhất là khi được đi trải nghiệm xuyên rừng bằng cano. Đặc biệt, tạo cho tôi cảm giác thoải mái. Đồng thời, con người nơi đây rất thân thiện và mến khách, cũng nhờ họ mà tôi có thể hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này”.

Trải nghiệm đặc biệt khi tham quan xuyên rừng

Theo đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến” năm 2022, trong đó có nhiều hoạt động hấp dẫn được diễn ra trên địa bàn xã Đất Mũi như Lễ thượng cờ thống nhất non sông; Ngày hội ẩm thực Đất Mũi; Giải Đất Mũi Marathon - Cà Mau 2022,... Đây được xem là cơ hội để địa phương thúc đẩy phát triển du lịch một cách hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh, về đất nước, con người và hình ảnh du lịch của địa phương cùng du khách.

Du khách du lịch tham quan, trải nghiệm khu du lịch Đất Mũi.

Du khách du lịch tham quan, trải nghiệm khu du lịch Đất Mũi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Tiết Minh Thành cho biết: “Để Làng Văn hóa du lịch Đất Mũi hoạt động đạt hiệu quả, chúng tôi đã và đang tập trung triển khai quy hoạch, định hướng không gian, cảnh quan xung quanh. Bên cạnh đó, huy động thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm mới phù hợp điều kiện thực tế của địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của địa phương”.

Với những lợi thế về vị trí địa lý và thiên nhiên đã ban tặng cho Đất Mũi nhiều địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, tận dụng lợi thế rừng ngập mặn, loại hình dịch vụ tham quan xuyên rừng cũng được hình thành và tạo cho du khách trải nghiệm thú vị. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm ngày một nhiều hơn.

Các sản phẩm đặc sản của Cà Mau được trưng bày, giới thiệu tại các khu du lịch Đất Mũi.

Các sản phẩm đặc sản của Cà Mau được trưng bày, giới thiệu tại các khu du lịch Đất Mũi.

Nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm, loại hình du lịch trên vùng Đất Mũi tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Đề án “Làng văn hóa du lịch Đất Mũi” giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là bước chuyển hướng có tính đột phá để phát triển ngành du lịch tại địa phương, gắn phát triển du lịch với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Đồng thời, góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Đọc thêm