Khám phá, trải nghiệm du lịch ở Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khu du lịch Mũi Cà Mau (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) cùng với Đầm Thị Tường là điểm hẹn lý tưởng khó quên của trong lòng du khách gần xa...

Khám phá nơi cuối cùng cực Nam của Tổ quốc

Biểu tượng con tôm được đặt tại khu vực Bãi Bồi – thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Biểu tượng con tôm được đặt tại khu vực Bãi Bồi – thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Đến với Khu du lịch Mũi Cà Mau, du khách tham quan trải nghiệm tại Cột mốc quốc gia 0001, biểu tượng Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ… Những địa chỉ này cũng là điểm nhấn cho sự phát triển bền vững của du lịch Cà Mau.

Cà Mau cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, với nhiều hạng mục, công trình tiêu biểu, cùng với mục tiêu thu hút gần 2 triệu lượt khách tham quan, tạo việc làm cho 3.000 lao động và doanh thu 5.000 tỷ đồng/mỗi năm.

Theo ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn… đồng thời là một địa danh thiêng liêng nơi tận cùng của Tổ quốc. Mỗi người Việt chúng ta, dù đi đâu, ở nơi đâu cũng muốn trở về được một lần đặt chân đến vùng đất này, đặc biệt nơi đây có vai trò vị trí địa thế rất quan trọng luôn hấp dẫn cho du khách không những về du lịch mà còn về văn hóa con người Cà Mau”.

Du khách trải nghiệm tuyệt vời bằng ca nô tuyến xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Du khách trải nghiệm tuyệt vời bằng ca nô tuyến xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Song song đó, du khách còn trải nghiệm tuyệt vời bằng du thuyền, ca nô hay vỏ lãi… đi xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Đây cũng là một trong những vườn quốc gia nằm trong danh sách khu dự trữ sinh quyển của UNESCO và là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới… với diện tích tự nhiên hơn 41.000 ha. Đặc biệt, có hệ sinh thái khổng lồ với đặc trưng là hai loài cây mắm và đước.

Hoa hậu Liên lục địa năm 2022 – Lê Nguyễn Bảo Ngọc, chia sẻ: “Cà Mau đi dễ mà khó về, do bởi con người nơi đây rất dễ mến rất gần. Đồng thời, ẩm thực rất đậm chất của miền Tây sông nước; khung cảnh nơi đây rất trong lành và tự nhiên… Đối với bản thân trong vai trò là đại sứ của Ngày trái đất, khi mình đến Khu du lịch Mũi Cà Mau thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vô cùng ý nghĩa”.

Với vai trò là đại sứ của Ngày trái đất, Hoa hậu liên lục địa năm 2022 Bảo Ngọc rất xúc động khi đến Khu du lịch Mũi Cà Mau (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) vô cùng ý nghĩa - Ảnh: FBNV

Với vai trò là đại sứ của Ngày trái đất, Hoa hậu liên lục địa năm 2022 Bảo Ngọc rất xúc động khi đến Khu du lịch Mũi Cà Mau (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) vô cùng ý nghĩa - Ảnh: FBNV

Có thể nói, Khu du lịch Mũi Cà Mau (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) rất đa dạng, sinh động… khi du khách lựa chọn cho mình những tuyến, tour du lịch, cách thưởng ngoạn phù hợp, lý tưởng đầy hấp dẫn nơi cuối cùng cực Nam Tổ quốc.

Nét đẹp nên thơ, trữ tình của vùng sông nước

Đầm Thị Tường là điểm hẹn du lịch sinh thái khá lý tưởng khi du khách đặt chân đến Cà Mau. Nơi đây được mệnh danh là khu đầm tự nhiên do thiên nhiên ban tặng lớn nhất và được xem là đẹp nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, du khách còn được xem tượng đài, nhà truyền thống, các ngôi nhà mô phỏng chiến trường xưa của Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Cà Mau tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân), cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km đường bộ.

Được biết, năm 2016, Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước được tỉnh Cà Mau đầu tư trên 3 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: hội trường hội họp, văn phòng làm việc của Tỉnh ủy, nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy… Đây là công trình văn hóa, lịch sử có nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương.

Trước đó, vào ngày 11/6/2007, Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch cấp tỉnh.

Du khách trải nghiệm tại Đầm Thị Tường (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Du khách trải nghiệm tại Đầm Thị Tường (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Bà Lê Hoàng Yến (Ngụ tại ấp Bào Sơn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), bày tỏ: “Tôi đến nơi đây để ôn lại truyền thống những ngày kháng chiến của các cô, chú, đồng thời vừa được trải nghiệm khám phá và ăn những món đặc sản dân dã ngày xưa. Đặc biệt, khung cảnh nơi đây không khí trong lành”. “Sau chuyến đi này, sẽ giới thiệu cùng với bạn bè người thân biết đến các cô, chú trong thời kháng chiến tại nơi đây” - bà Yến nói.

Sau khi tham quan Khu Căn cứ Tỉnh ủy, du khách đến với Đầm Thị Tường, nơi được tạo nên từ sự bồi lắng phù sa của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch của ba huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước. Đầm Thị Tường được hình thành bởi ba đầm chính, gồm: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới, trong đó đầm giữa là đầm lớn nhất. Quý khách đi tham quan đầm phải dùng phương tiện võ lãi chạy xung quanh, với diện tích tổng thể 700ha.

Hiện nay, hàng ngày trên Đầm Thị Tường có rất nhiều ngư dân dùng chày, lưới, nò, vó, lú... để đánh bắt cá, cua, tôm, mực, sò, rẹm... đó vừa là một nghề mưu sinh vừa để phục vụ du khách đến tham quan. Tại đây, có rất nhiều món hải sản tươi sống, thơm ngon dân dã.

Đầm Thị Tường nhìn từ xa.

Đầm Thị Tường nhìn từ xa.

Ông Nguyễn Đức Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Xác định được tầm quan trọng của du lịch, UBND xã cũng đã chỉ đạo các cấp phát triển khu du lịch Đầm Thị Tường gắn với Khu Căn cứ Tỉnh ủy. Đồng thời, còn có hợp tác xã phục vụ dịch vụ du lịch, ăn uống trên đầm…”.

Theo ông Nguyễn Đức Thông, hiện nay, lượng khách đến tham quan tại Đầm Thị Tường duy trì ở mức khá ổn định, với khoảng 5.000 khách mỗi năm. Vào những ngày cuối tuần hay Lễ, Tết, mỗi hộ dân làm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng có thể tiếp từ 100 - 200 khách”.

Có thể nói, với nét nên thơ, trữ tình rất đặc trưng của vùng sông nước, cùng với Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước nằm ngay trên bờ đầm, hứa hẹn du lịch Đầm Thị Tường sẽ là địa điểm du lịch lý tưởng để thu hút khách du lịch trong thời gian tới./.

Đọc thêm