Gắn cấp cứu trước viện với chăm sóc sức khỏe
Theo TS. Nguyễn Minh Lợi, hiện nay công tác đào tạo nhân lực y tế vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng của hệ thống y tế; nhiều trình độ đào tạo, năng lực nghề nghiệp chưa gắn với vị trí việc làm, chưa phân định rõ các trình độ; chưa xác định được phạm vi hoạt động chuyên môn, các lĩnh vực cần đào tạo chuyên khoa; đặc biệt việc mở ngành mới còn khó khăn do thiếu cơ chế, thiếu giảng viên, chưa xác định được năng lực nghề nghiệp và định danh được vị trí việc làm của người học sau đào tạo.
Trong tình hình chung đó, nhân lực cho CSSK cho người cao tuổi (NCT) cũng rất khan hiếm. Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM cho biết, tại Việt Nam tình trạng dân số lão hóa, tuổi thọ tăng (tuổi thọ trung bình hiện nay của người dân trên 74 tuổi) hiện đang là thách thức lớn đối với công tác y tế, đặc biệt là nhu cầu CSSK cho bệnh nhân, NCT, trong khi đó đào tạo nhân lực y tế trong lĩnh vực này chưa thật sự được coi trọng, thiếu thốn về nhân lực.
Cũng theo PGS. Xuân, việc quản lý sức khỏe NCT, người bệnh một cách hiệu quả luôn là bài toán khó với nhà quản lý. Trong vài năm trở lại đây, đã có nhiều mô hình gắn liền với từng giai đoạn phát triển ở mỗi quốc gia.
Hiện nay, mô hình CSSK tại nhà đang tỏ ra có nhiều ưu thế về mặt kinh tế, xã hội, chuyên môn và tính khoa học. Nhận thức được nhu cầu CSSK của NCT ngày càng lớn, trong năm 2017 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phối hợp cùng Trường ĐH Khoa học ứng dụng Saimaa (Phần Lan) đào tạo cử nhân ngành điều dưỡng và cử nhân ngành CCTV cho nhiều SV.
Bước đầu nhiều hiệu quả
Về định hướng đào tạo cử nhân điều dưỡng và giải pháp lồng ghép giữa CCTV và CSSK tại nhà, ông Lợi kiến nghị, cần phải tiến hành đánh giá chương trình đào tạo thí điểm, khảo sát nhu cầu học tập nâng cao trình độ sau tốt nghiệp ĐH, hay chuyển đổi ngành nghề theo quy định hiện hành; đề xuất các tiêu chuẩn, tiêu chí về năng lực nghề nghiệp cần có của người học và các điều kiện hành nghề sau tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần đánh giá hiệu quả việc lồng ghép 2 chương trình trên tại khu vực TP HCM và mở rộng ra với các TP lớn trên toàn quốc. Trên cơ sở các minh chứng đã có, nhà trường cần đề xuất mã ngành đào tạo mới, học chuyên khoa sau ĐH đối với chương trình đào tạo này.
Là đơn vị đầu tiên đưa vào thí điểm mô hình gắn CCTV với CSSK tại nhà cho người bệnh, PGS.TS.BS Cao Văn Thịnh (Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Trưởng Trung tâm huấn luyện kỹ năng mô phỏng lâm sàng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời là Trưởng đơn vị Phẫu thuật Lồng ngực, mạch máu, BV Quận 2) cho biết, dù chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nhưng mô hình đã đạt được nhiều hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ BS tại BV hiện đã tiếp nhận và điều trị cho 250 trường hợp (đạt 25%).
PGS.TS.BS Cao Văn Thịnh nhấn mạnh: “Hiện nay nhiều cơ sở y tế đã đưa vào hoạt động mô hình CCTV, tuy nhiên trên thực tế, công tác CCTV chưa đạt được hiệu quả đúng mong muốn, lãng phí về nguồn lực và thời gian, thu nhập của BS thấp. Do đó, việc gắn kết CCTV với CSSK tại nhà đáp ứng được 4 mục tiêu quan trọng: Tăng thu nhập cho BS; tranh thủ được thời gian nhàn rỗi của CCTV; tăng cường công tác chuyên môn; và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh”.
Ông cho biết thêm: “Tại BV Quận 2, người bệnh khi sử dụng mô hình trên đều được BHYT chi trả, người bệnh gần như không phải trả thêm khoản phí nào. Bên cạnh đó là được CSSK tại nhà không mất thời gian chờ đợi tại BV. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân đầu có phản hồi tích cực, và mong muốn mô hình sẽ được triển khai rộng rãi hơn nữa…”.