Đánh giá kỹ lưỡng năng lực nhà thầu
Trao đổi với PLVN, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã có ba liên danh nhà thầu nộp hồ sơ tham gia đấu thầu, gồm nhóm DN đến từ: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam”. “Hiện các đơn vị chuyên môn của ACV và đơn vị tư vấn đang trong thời gian đánh giá năng lực của từng nhóm liên danh…” - ông Thanh thông tin.
Vì tính chất phức tạp của gói thầu, dự kiến thời gian đánh giá năng lực liên danh các nhà thầu sẽ mất ít nhất 1,5 tháng. Các đơn vị chuyên môn của chủ đầu tư là ACV sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn để đánh giá các doanh nghiệp (DN) trong liên danh về kinh nghiệm, thiết bị máy móc, nhân sự và đặc biệt là về tiềm lực tài chính.
Sau những bước này, đơn vị chấm thầu chọn ra liên danh mạnh nhất, đủ điều kiện so với hồ sơ mời thầu để tham gia thực hiện gói thầu. Nếu thuận lợi, khoảng tháng 9/2023, ACV có thể đàm phán và ký kết hợp đồng với liên danh trúng thầu để sớm khởi công gói thầu.
Theo ACV, việc chọn được nhà thầu thi công hạng mục nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ là bước đi quan trọng, gỡ bỏ “điểm nghẽn” bấy lâu nay của dự án là chưa tìm được nhà thầu đủ năng lực thực hiện gói thầu quan trọng nhất.
Theo tìm hiểu, gói thầu 5.10 có giá trị 35.200 tỷ đồng thi công nhà ga hành khách xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được mở thầu lần đầu vào tháng 9/2022 và đóng thầu sau đó 2 tháng. Thời điểm ACV tổ chức hội nghị tiền đấu thầu đã thu hút gần 10 nhà thầu đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu. Kết quả mời thầu không khả quan, ACV buộc phải hủy kết quả và mở thầu lần hai vào tháng 3/2023. Việc này dẫn tới tiến độ của toàn Dự án Sân bay Long Thành bị ảnh hưởng.
Sau khi tiến hành hủy thầu lần thứ nhất, ACV đã làm việc với đơn vị tư vấn, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và điều chỉnh một số nội dung dự án. Thay đổi đáng chú ý là thời gian thi công nhà ga sân bay Long Thành được điều chỉnh tăng từ 33 tháng lên 39 tháng, thời gian hoàn thành sân bay cũng lùi từ năm 2025 sang năm 2026.
Do đó, trong đợt mở thầu lần này với sự xuất hiện của ba liên danh các nhà thầu là thông tin tích cực. Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những liên danh này đều là những nhà thầu lớn, uy tín.
Năng lực nhà thầu Việt thế nào?
Do tính chất quan trọng của gói thầu, sau khi mở thầu, lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể để gói thầu sớm được thực hiện. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã có văn bản yêu cầu ACV nghiên cứu và tiếp thu tối đa các kiến nghị của Bộ KH&ĐT trong quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10. Ba cơ quan là Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN được giao theo dõi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ACV trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu 5.10 bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Liên quan đến liên danh nhà thầu duy nhất của Việt Nam dự thầu gói 5.10 xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, liên danh này gồm các DN là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Coteccons, Công ty CP Xây dựng An Phong và Công ty CP Xây dựng Central. Theo thông tin ban đầu, 4 DN này lập liên danh nhà thầu với tên gọi Hoa Lư để dự thầu gói thầu lớn nhất sân bay Long Thành.
Ngoài An Phong và Central chưa mấy tên tuổi, Hòa Bình và Coteccons là những DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, 2 điểm băn khoăn đối với liên danh này chính là năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ga sân bay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, do kinh nghiệm, năng lực tài chính của các nhà thầu Việt Nam còn hạn chế ở gói thầu 5.10 nên một số nhà thầu đã liên danh thành một tổ hợp để dự thầu.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, việc liên kết lỏng lẻo không có cơ chế cụ thể về phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn giữa các nhà thầu có thể phát sinh nhiều phức tạp trong việc bảo đảm chất lượng công trình sau này. Dù vậy, chuyên gia này tin rằng nhà thầu Việt Nam có thể làm tốt gói thầu 5.10 nếu tổ chức quản trị tốt, đồng thời có sự hợp tác với các DN có kinh nghiệm của nước ngoài.
ACV tự thu xếp vốn
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, mục tiêu khai thác cuối năm 2025. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó ACV làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu), tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng. ACV tự thu xếp vốn (vốn tự có và vốn vay thương mại). Gói thầu thi công nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) thuộc Dự án thành phần 3, tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.