Theo báo cáo của Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, đến nay, Vụ đã trình Bộ trưởng dự thảo Kế hoạch tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018; xây dựng dự thảo Bảng phân công công việc phục vụ tổ chức buổi lễ. Trong phạm vi đơn vị, Vụ đã thành lập Tổ công tác thường trực tham mưu tổ chức buổi lễ. Ngoài ra, Vụ đã xây dựng dự thảo chương trình, kịch bản chi tiết buổi lễ, dự thảo phóng sự và đề cương kịch bản giao lưu tại buổi lễ…
Vụ cũng chủ động phối hợp với Văn phòng Bộ liên hệ với một số đơn vị để có thông tin ban đầu về địa điểm tổ chức, dự kiến thành phần khách mời, số lượng đại biểu. Vụ còn chủ động xây dựng bản Kế hoạch tổng thể các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã bắt đầu triển khai thực hiện với các đơn vị liên quan; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp các nguồn thông tin, tư liệu phục vụ sản xuất phóng sự tổng kết 5 năm triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật (sẽ phát tại buổi lễ).
Cùng với sự hỗ trợ của UBND TP Hà Nội, Vụ đã xây dựng hồ sơ mời tài trợ để vận động nguồn lực xã hội cho buổi lễ được thành công. Đặc biệt, sau khi xây dựng dự thảo thì ngày hôm qua (9/10), Bộ trưởng đã ký Quyết định thành lập Ban Tổ chức do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu làm Trưởng ban và các Tiểu ban giúp việc tổ chức buổi lễ.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu |
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chia sẻ một số khó khăn trong công tác chuẩn bị cho buổi lễ. Cụ thể là thời gian chuẩn bị tương đối gấp, khối lượng công việc nhiều, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ và phân công chi tiết giữa các đơn vị mới bảo đảm tổ chức sự kiện này như mong muốn.
Có điều, kinh phí được cấp cho các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật năm 2018 rất eo hẹp so với yêu cầu tổ chức buổi Lễ. Không những thế, một số công việc Bộ không thể chủ động được mà phụ thuộc vào lịch công tác của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng Nguyễn Thị Tố Nga báo cáo thêm về hoạt động thi đua – khen thưởng. Theo đó, nên đề xuất khen thưởng ở cấp Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và cần sớm xin chủ trương của Thủ tướng.
Còn đối với Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vụ Thi đua – Khen thưởng đã có công văn hướng dẫn về tiêu chí, các bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất để Bộ lựa chọn. Nhiều ý kiến cho rằng, nhằm động viên khích lệ kịp thời có thể khen thưởng với hình thức Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 30 – 35 tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai 5 năm Ngày Pháp luật.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng tình phải triển khai gấp một số nội dung công việc sao cho mọi công việc phải được tiến hành bài bản, chặt chẽ, đặc biệt là để thiết thực tổng kết 5 năm triển khai Ngày Pháp luật. Với tinh thần tổ chức buổi Lễ trang trọng, Thứ trưởng yêu cầu gửi công văn chính thức cho Đài Truyền hình Việt Nam để tổ chức truyền hình trực tiếp buổi lễ, trường hợp cần thiết Lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với Lãnh đạo Đài.
Về kinh phí, Thứ trưởng khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực và việc vận động tài trợ phải cố gắng đạt hiệu quả tối đa. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông của Bộ (Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật) và Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp phải tăng cường truyền thông về Ngày Pháp luật; đồng thời Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với các cơ quan báo chí bên ngoài để đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, nhất là trong những tuần lễ cao điểm của Ngày Pháp luật năm 2018.