Khẩn trương đối phó cơn bão số 1

 Đến 16 giờ ngày hôm nay - 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Theo tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 16,6 độ vĩ Bắc; 113,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. 

Hơn 51.000 tàu thuyền đã về nơi neo đậu an toàn

Đến 16 giờ ngày hôm nay - 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Quảng Ninh, Hải Phòng: Ảnh hưởng trực tiếp
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ.

 Đến 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

 Đến 16 giờ ngày 18/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,2 độ Vĩ Bắc, 106,0 độ Kinh Đông trên đất liền biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Sóng biển cao 5 – 7 mét. Biển động dữ dội.

 Từ chiều 16/7, vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Biển động dữ dội. Từ sáng sớm ngày 17/7, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 10, giật cấp 11, cấp 12.

Ở Bắc Bộ sẽ có mưa, riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông bắc có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Khẩn trương đối phó bão lớn
Để triển khai đối phó với bão số 1, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục đôn đốc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thực hiện Công điện số số 06/CĐ-TW ngày 13/7/2010 của Ban chỉ đạo PCLBTW-Ủy ban quốc gia TKCN.

Bộ Giao thông Vận tải đã có các Công điện số 37/CĐ-BGTVT ngày 14/7/2010, gửi các cơ quan trực thuộc và các Sở giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng cũng có điện gửi các đơn vị Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật; Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng; Quan chủng Hải quân, Cục cảnh sát biển; Quân khu 3,4,5 yêu cầu các đơn vị phối hợp với địa phương tiếp tục kiểm đếm, thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, sẵn sàng các lực lượng phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Y tế có công điện số 4646/CD-BYT ngày 14/7/2010, chỉ đạo các Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế khi cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn tuyết đối cho bệnh nhân; chuẩn bị các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế sẵn sàng hỗ trợ các địa phương. 

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định tiếp tục thông báo tình hình và chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão; yêu cầu BCH PCLB các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, chủ động xử lý kịp thời các tình huống; liên lạc và kêu gọi tầu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú tránh.

Gọi hơn 51.000 tàu thuyền về tránh bão
Theo báo cáo của Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Văn phòng ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, tính đến 6 giờ ngày 15/7, trong tổng số tàu 51.994 tàu/ 239.096 lao động đang hoạt động trên biển Đông, số tàu đã liên lạc được 51.991 tàu/238.656 lao động, trong đó số tàu hoạt động ở khu vực nguy hiểm có 33 tàu/426 lao động thuộc tỉnh Quảng Ngãi (giảm 77 tàu/971 lao động, gồm Đà Nẵng 74 tàu/944 lao động: Quảng Ngãi 3 tàu/37 lao động); hoạt động trên các vùng biển khác 5.252 tàu/34.371 lao động; đã neo đậu và hoạt động ven bờ 46.716 tàu/203.936 lao động.

Số tàu chưa liên lạc được gồm 3 tàu thuộc tỉnh Quảng Nam. Cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các địa phương để tìm cách liên lạc, xác định vị trí các tàu thuyền trên./.

 An Bình

Đọc thêm