Khẩn trương tháo gỡ “nút thắt” trên cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn

(PLVN) - Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn hiện đã đạt hơn 63% khối lượng thi công. Song song với khí thế “3 ca, 4 kíp”, các nhà thầu vẫn đang đối diện nhiều vướng mắc về mặt bằng, vật liệu xây dựng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương và chủ đầu tư để giữ đúng tiến độ thông xe kỹ thuật dịp 2/9.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có chiều dài gần 88km, đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và Bình Định (27,7km), với tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc giai đoạn 2021 – 2025, với 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh và đặc biệt là 3 hầm xuyên núi dài gần 4.500m.

Hiện nay, trên công trường đang triển khai toàn bộ 50/50 mũi thi công, huy động hơn 3.500 cán bộ kỹ sư, công nhân cùng 1.400 máy móc thiết bị.

Theo báo cáo của Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu, đến nay, tổng sản lượng đạt khoảng 8.450 tỷ đồng, tương ứng 63,3% giá trị hợp đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã thực hiện đạt khoảng 62% khối lượng.

Các hạng mục then chốt đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể, công tác thi công cấp phối đá dăm đã đạt khoảng 40%, phần bê tông nhựa đã thảm được hơn 10km. Dự kiến đến tháng 9 sẽ hoàn thiện cấp phối đá dăm và tháng 10 sẽ hoàn tất thi công bê tông nhựa trên toàn tuyến.

Về phần cầu, 69/77 cầu đã hoàn thành lắp dầm và đang thi công bản mặt cầu. Một số cầu lớn như cầu Sông Vệ, cầu vượt ĐT624C đã hoàn tất. Tuy nhiên, cầu vượt đường sắt tại nút giao Đức Phổ hiện còn 12 cọc khoan nhồi chưa thể thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Riêng ba hầm xuyên núi, hai hầm số 1 và 2 đã thi công xong phần xây dựng, đang trong quá trình lắp đặt hệ thống thiết bị cơ điện, chiếu sáng và điều khiển giao thông thông minh. Đáng chú ý, hầm số 3 dài 3.200m có vai trò quyết định trong việc bảo đảm tiến độ toàn tuyến. Hiện ống hầm bên phải đã được thông, vượt tiến độ 6 tháng so với hợp đồng. Dự kiến trong tháng 7, ống hầm còn lại sẽ hoàn thành đào thông, tiến tới hoàn thiện toàn bộ kết cấu và thiết bị trong tháng 12/2025.

Hầm số 1 và 2 đã hoàn thành phần xây dựng và đang được lắp đặt thiết bị cơ điện.

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, song dự án vẫn đang đối diện những rào cản lớn về mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đến nay vẫn còn 17 điểm vướng mặt bằng, trong đó có những vị trí thuộc diện điều chỉnh, bổ sung nhưng địa phương chưa thể chi trả đền bù. Có nơi, người dân tụ tập phản đối, đòi bồi thường nhà cửa vượt mức định giá của đơn vị giám định.

“Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã chủ động ứng trước chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho địa phương. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp quyết liệt hơn từ các cấp chính quyền, những điểm nghẽn này sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thông tuyến kỹ thuật trước ngày 2/9”, ông Nam nhấn mạnh.

Hiện nay việc thi công cao tốc vẫn còn số vướng mắc về mặt bằng và vật liệu xây dựng.

Không chỉ mặt bằng, bài toán vật liệu xây dựng, nhất là nguồn đá cũng đang khiến các nhà thầu phải “xoay như chong chóng”. Theo thiết kế, nguồn đá sẽ được tận dụng từ đất đá đào hầm. Thế nhưng, thực tế địa chất tại hầm số 3 khác biệt so với hồ sơ thiết kế ban đầu, không thể khai thác đá tại chỗ, buộc nhà thầu phải mua thêm từ các mỏ thương mại.

Trong khi đó, phần lớn các mỏ đá tại Quảng Ngãi và Bình Định đều có công suất thấp, hoặc đang gặp tranh chấp, vướng thủ tục thuê đất. Mỏ đá Vạn Lý đã ngừng cung cấp do tranh chấp nội bộ; mỏ Đông Bình Đê thì chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Tình trạng này khiến các đơn vị thi công không đủ vật liệu, thậm chí phát sinh thêm chi phí đổ thải.

Dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là một trong những tuyến quan trọng nhất thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Theo Bộ Xây dựng, dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là một trong những tuyến quan trọng nhất thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Vì vậy, các đơn vị liên quan phải tăng cường phối hợp, xử lý triệt để những “nút thắt” hiện hữuvề mặt bằng và vật liệu. Như vậy mới có thể thông xe kỹ thuật vào dịp 2/9 năm nay (trước tiến độ kế hoạch 3 tháng).

“Chính phủ đã giao chỉ tiêu đến cuối năm 2025 phải có 3.000km cao tốc đưa vào khai thác. Đây không chỉ là áp lực mà còn là danh dự. Nếu các điểm vướng không được tháo gỡ đồng bộ, sẽ ảnh hưởng đến toàn tiến độ quốc gia”, đại diện Bộ xây Dựng nhấn mạnh.

Đọc thêm