Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như: Luật Ngân sách, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đồng thời phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trước đó, vào ngày 20/2, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã nêu ra không ít khó khăn, bất cập từ cơ chế, chính sách trong việc giao dự toán ngân sách.
Theo ông Minh, định kỳ hàng năm, trước ngày 31/12, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách về công tác bảo trì sản phẩm công ích cho tuần đường, gác chắn... Nhưng đến hôm nay, VNR vẫn chưa nhận được dự toán, khiến hơn một vạn cán bộ, công nhân viên trong khối hạ tầng chưa có tiền lương.
Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết về gói 7.000 tỉ đồng, giao cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Trước khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã dự kiến giao cho Tổng Công ty này 2 gói, Ban quản lý dự án đường sắt 2 gói. Nhưng sau khi có Nghị định 131, Bộ GTVT lại trả lời là không thể giao được cho VNR do VNR không phải là đơn vị trực thuộc Bộ.