Khánh Hòa điêu đứng vì tôm hùm

Không những thiệt hại do dịch bệnh, hiện nay người nuôi tôm ở Vạn Ninh cũng như ở TP. Cam Ranh còn bị thiệt hại nặng bởi giá tôm thương phẩm do thương lái thu mua quá thấp. Điều đáng nói là không hiểu lý do gì mà thương lái chỉ đòi mua tôm loại 2, 3 với giá dao động từ 800 ngàn đồng đến 1,1 triệu đồng/kg (bằng một nửa so với cách đây 5 tháng) chứ dứt khoát không mua tôm loại 1

Với một phép tính đơn giản, chỉ tính riêng hộ ông Thương mỗi ngày có 4 con tôm chết, bình quân mỗi con có trọng lượng 0,7 kg thì mỗi ngày ông mất gần 3 triệu. Toàn huyện Vạn Ninh có 10.500 lồng nên số tiền thiệt hại là một con số không nhỏ.

Bè nuôi tôm hùm.
Bè nuôi tôm hùm.

Tôm chết hàng loạt

Vạn Ninh là địa phương có số lượng tôm hùm nuôi nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa với hơn 10.500 lồng. Nhờ có giá trị kinh tế cao nên nhiều năm qua, con tôm hùm đã mang lại sự khấm khá cho người dân địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều bà con nuôi tôm ở huyện Vạn Ninh điêu đứng vì dịch bệnh sữa trên tôm.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 50% số hộ nuôi tôm bị bệnh sữa hỏi thăm. Bình quân mỗi ngày, một bè nuôi có từ 2-5 con tôm hùm bị chết với đủ kích cỡ. Cá biệt, ở những hộ nuôi nhiều, số tôm chết lên đến hàng chục con/ngày. Theo bà con, môi trường nuôi ô nhiễm, con giống không đảm bảo chất lượng và vùng nuôi chưa ổn định là những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát dẫn đến việc nuôi tôm thất bại.

Ông Lê Thương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh - một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm hùm ở đây - cho biết, mỗi ngày tôm chết từ 3 đến 4 con, ngày nào nhiều lên đến 6,7 con. Gia đình ông nuôi 2.000 con tôm đã hơn 12 tháng, chỉ mới 4 tháng nay đã hao hụt 40% lượng tôm nuôi, bao nhiêu tiền của đổ vào con tôm giờ không biết bấu víu vào đâu.

Với một phép tính đơn giản, chỉ tính riêng hộ ông Thương mỗi ngày có 4 con tôm chết, bình quân mỗi con có trọng lượng 0,7 kg thì mỗi ngày ông mất gần 3 triệu. Toàn huyện Vạn Ninh có 10.500 lồng nên số tiền thiệt hại là một con số không nhỏ.

Theo các chuyên gia trong ngành thủy sản, nguyên nhân dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản ngày một khó khăn là do địa phương chưa quy hoạch cụ thể vùng nuôi tôm. Diện tích thả tôm nuôi tăng một cách tự phát, mật độ nuôi quá dày dẫn đến môi trường nuôi ô nhiễm, con giống không được kiểm soát. Để giải quyết tình trạng này, năm 2009 huyện Vạn Ninh đã triển khai dự án quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản vùng mặt nước.

Tuy nhiên do thiếu kinh phí và công tác tuyên truyền vận động bà con nuôi theo quy hoạch cũng không hề đơn giản, nên từ đó đến nay, việc quy hoạch vùng nuôi vẫn hết sức nan giải. Hiện những vùng nuôi ven bờ chỉ dừng ở lại quy hoạch tổng thể.

Ông Đào Văn Lương – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh thừa nhận: "Hiện nay chúng tôi chưa có quy hoạch cụ thể, trong quá trình nuôi thì có nhiều bất cập, hệ thống cấp nước ngọt cho các vùng nuôi hiện chưa được quan tâm. Quy hoạch những vùng nuôi này phải có hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, làm như vậy đảm bảo hiệu quả. Nhưng do kinh phí chưa triển khai được".

Thương lái ép giá     

Chính vì công tác quy hoạch không được thực hiện một cách triệt để đã dẫn đến tình trạng bà con phá vỡ quy hoạch, quay trở lại cách nuôi truyền thống. Hệ quả tất yếu là dịch bệnh bùng phát và thiệt hại lại tiếp diễn. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, tỉnh chỉ có quy hoạch tổng thể còn quy hoạch chi tiết thì các địa phương tự thực hiện. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có đủ khả năng triển khai và hiện chỉ có thành phố Nha Trang đã quy hoạch được một phần vùng nuôi thủy sản.

Không những thiệt hại do dịch bệnh, hiện nay người nuôi tôm ở Vạn Ninh cũng như ở TP. Cam Ranh còn bị thiệt hại nặng bởi giá tôm thương phẩm do thương lái thu mua quá thấp. Điều đáng nói là không hiểu lý do gì mà thương lái chỉ đòi mua tôm loại 2, 3 với giá dao động từ 800 ngàn đồng đến 1,1 triệu đồng/kg (bằng một nửa so với cách đây 5 tháng) chứ dứt khoát không mua tôm loại 1. Nếu bán tôm loại 1 cho thương lái theo giá tôm loại 2 thì cũng lỗ mà để tiếp tục nuôi thì càng lỗ nặng. Không còn cách nào khác là người dân phải bán tháo tôm cho thương lái theo giá tôm loại 2 để vớt vát lại vốn.

Được biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện đề tài nghiên cứu vùng nuôi tôm hùm tại Đầm Môn để tìm ra phác đồ điều trị hữu hiệu cho bệnh sữa trên tôm. Tuy nhiên, việc tìm một đầu ra ổn định cho con tôm hùm cũng là một việc làm cấp bách hiện nay cho người nuôi tôm ở Khánh Hòa.

Liên Thủy

Đọc thêm