Khánh Hòa phấn đấu mỗi gia đình có ít nhất 1 người biết sử dụng tài khoản VneID

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích đẩy mạnh cung cấp DVCTT và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa phấn đấu có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 40% DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, 100% hồ sơ trực tuyến được cán bộ, công chức, viên chức thông báo về việc được tiếp nhận chính thức hoặc từ chối tiếp nhận, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho tổ chức, cá nhân không muộn hơn tám giờ làm việc kể từ khi Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận.

Mỗi hộ gia đình trên địa bàn phải có ít nhất 1 người biết cách sử dụng tài khoản VneID (đã được kích hoạt định danh mức 2) đồng thời đăng nhập và sử dụng DVCTT trên các Cổng dịch vụ công.

Số lượng kích hoạt tài khoản VNeID của tỉnh Khánh Hòa tính đến 30/6/2023

Số lượng kích hoạt tài khoản VNeID của tỉnh Khánh Hòa tính đến 30/6/2023

Tại Quyết định số 7501/KH-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn cần bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp, sử dụng DVCTT; hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, bảo đảm đáp ứng các quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh; đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí về hiệu năng và tiêu chí nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến chất lượng DVCTT.

Thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện sử dụng cổng DVCTT. Đồng thời, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT.

Đặc biệt chú trọng việc xây dựng chương trình hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó, có nhiệm vụ hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT, nhằm phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi số ở tuyến cơ sở, góp phần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong cộng đồng; đưa nền tảng số, dịch vụ số, kỹ năng số đến với người dân theo cách đơn giản, tự nhiên, dễ tiếp cận, dễ sử dụng; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã, hình thành khu dân cư điện tử, cộng đồng số,...

Cổng thông tin dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa

Cổng thông tin dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa

Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ ban hành danh mục DVCTT toàn trình và một phần; thường xuyên rà soát và bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được công bố DVCTT toàn trình, một phần; bổ sung, hoàn thiện các quy định về giảm phí, lệ phí đối với việc sử dụng DVCTT để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong năm 2023, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến do UBND tỉnh giao tại Quyết định số 807/QĐ-UBND ngày 11/4/2023 về việc giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến cho các sở, ban, ngành, địa phương năm 2023.

Qua đây, ông Nguyễn Tấn Tuân cũng yêu cầu việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; tận dụng, kế thừa tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành trung ương và của tỉnh để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính một cách hiệu quả, giảm chi phí, góp phần hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ- TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm