Khất bảo hiểm, “ký nợ” vật tư để... chạy tàu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi vẫn còn những “tranh biện” xoay quanh việc giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho Cục Đường sắt hay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thì bên dưới - các doanh nghiệp trực tiếp vận hành đường sắt đã và sẽ phải đi “vay” vật tư thiết bị để lo an toàn cho mỗi chuyến tàu trên đường sắt quốc gia.
Kinh phí bảo trì hạ tầng đường sắt tính đúng, tính đủ mỗi năm khoảng 7.000 tỷ, nhưng thực tế chỉ được cấp 2.800 tỷ
Kinh phí bảo trì hạ tầng đường sắt tính đúng, tính đủ mỗi năm khoảng 7.000 tỷ, nhưng thực tế chỉ được cấp 2.800 tỷ

Đầu năm 2020, dư luận một phen lo lắng khi Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tuyên bố Đường sắt có thể sẽ phải dừng tàu do chậm được giao dự toán ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn chạy tàu và trả lương cho công nhân.

Việc này sau đó đã được hóa giải vào nửa cuối tháng 4/2020. Nhưng nay, chuyện này lại tái diễn khi hết Quý I/2021, 20 công ty quản lý đường sắt và thông tin tín hiệu ngành này vẫn chưa thể ký hợp đồng để làm công tác duy tu, bảo trì hoặc xử lý tình huống khi có sự cố đột xuất như nhiều năm nay, các doanh nghiệp này vẫn tiến hành trên đường sắt quốc gia.

“Cứ ngày 1 tháng 1 hàng năm, chúng tôi được ký hợp đồng, mà nói chính xác là xác định rõ được nguồn vốn đề làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn và thông suốt hệ thống thông tin tín hiệu phục vụ điều hành vận tải, chạy tàu. Nhưng nay, Quý I đã hết mà việc này vẫn chưa diễn ra”, ông Bùi Đình Sỹ - Giám đốc Công ty CP Thông tin Tín hiệu đường sắt Hà Nội trao đổi với PLVN.

Theo lý của Bộ GTVT và một số Bộ ủng hộ quan điểm của Bộ này, thì việc Bộ GTVT phân bổ dự toán, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt (đơn vị thuộc Bộ GTVT) để ký hợp đồng với 20 công ty quản lý đường sắt và thông tin tín hiệu (thuộc VNR) là đúng Luật Ngân sách.

Nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng, nếu Bộ GTVT giao dự toán cho Cục Đường sắt là không phù hợp với Luật Đường sắt. Vì Điều 21 Luật này  nói rõ: “doanh nghiệp kinh doanh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thì thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật...”. Cụ thể, ở đây, VNR là đơn vị đang được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Giám đốc Công ty CP Thông tin Tín hiệu đường sắt Hà Nội Bùi Đình Sỹ, cho biết, những vật tư có giá trị lớn cần thay thế, doanh nghiệp này phải vay đối tác bằng... "tín chấp"
 Giám đốc Công ty CP Thông tin Tín hiệu đường sắt Hà Nội Bùi Đình Sỹ, cho biết, những vật tư có giá trị lớn cần thay thế, doanh nghiệp này phải vay đối tác bằng... "tín chấp"   

Với thực tế vẫn còn những quan điểm khác nhau xoay quanh việc giao dự toán ngân sách cho Cục Đường sắt hay VNR, thì ở phía dưới - các doanh nghiệp quản lý hạ tầng đang phải cố duy trì sự thông suốt của đường sắt quốc gia bằng cách vay, mượn bên ngoài để có nguồn vật tư thiết bị sửa chữa, thay thế. Còn người lao động nhiều nơi bị giảm hoặc chậm lương. Thậm chí, có đơn vị còn xin khất đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vì thiếu tiền.

“Khu vực chúng tôi quản lý là hệ thống thông tin tín hiệu trên 600 km đường sắt phía Bắc (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Ninh Bình...), với hơn 500 người lao động tham gia quản lý, vận hành hệ thống nên chi phí không nhỏ, riêng lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng đã hơn chục tỷ đồng mỗi quý.

Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chính trị, vì sự an toàn của hoạt động chạy tàu, chúng tôi phải gắng, những e là không gắng được lâu nữa vì đang rất khó khăn”, Giám đốc Công ty CP Thông tin Tín hiệu đường sắt Hà Nội nói.

Trao đổi với PLVN, lãnh đạo VNR cho biết, không ít doanh nghiệp trong khối này đã và sẽ tính tới phương án vay lãi ngân hàng để xử lý tình huống nêu trên, bởi tự thân các doanh nghiệp này cũng đang cạn nguồn và không nhận được khoản vay tạm thời từ VNR như hồi năm ngoài, do dịch Covid-19 bùng phát nên công ty mẹ cũng lâm cảnh khó khăn.

“Vay vốn ngân hàng, bây giờ không phải doanh nghiệp nào cũng vay được, vì thực tế thì đáng khó như thế mà phải gánh thêm khoản lãi suất 7- 8% nữa thì sau này biết hạch toán ra sao?”, Giám đốc Sỹ băn khoăn và cho biết, Công ty CP Thông tin Tín hiệu đường sắt Hà Nội đã chọn giải pháp “tín chấp” với đối tác, tức là đi vay vật tư để thay thế, sửa chữa chứ  không để xảy ra cảnh phải đi vay, trả lãi ngân hàng.

Còn đối với người lao động, doanh nghiệp này chọn giải pháp trả 70% lương tháng, dù hàng trăm con người ở đây hàng ngày vẫn trực để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu.

Đọc thêm