Khát vọng bình yên

(PLVN) -  2021 là năm với những dấu mốc lịch sử mà có lẽ hàng trăm năm sau, con cháu chúng ta sẽ vẫn còn nhắc lại.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, bùng mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công các khu công nghiệp rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh, thành, vượt mọi dự đoán về độ lây lan và tính chất khốc liệt.

Chủng Delta với độc lực mạnh, thời gian ủ bệnh ngắn, phát tán nhanh, khiến bệnh nhân tăng theo cấp số nhân. Nếu như ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm. Ở những địa phương tâm dịch, đặc biệt là TP HCM, TP đã trải qua những ngày “đau thương, mất mát rất lớn, chưa từng có trong lịch sử”, như lời Bí thư Nguyễn Văn Nên.

COVID đã gây ra những tổn thương nặng nề cho đất nước. 30 ngàn người đã trút hơi thở cuối cùng vì nhiễm bệnh. Số lượng người chịu các di chứng sức khỏe, tâm lý từ dịch bệnh chưa thể thống kê hết.

Về kinh tế, nhiều nguồn lực sức người, sức của phải dồn vào công cuộc phòng chống dịch. Đầu 2021, các tổ chức quốc tế dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7,5-7,8%, nhưng dịch bệnh đã khiến mọi dự báo trở thành bất khả thi. Hàng loạt nhà máy công trường phải tạm dừng hoạt động, sức mua giảm mạnh, dòng tiền đứng yên khiến GDP quý III giảm 6,17%. Đây là lần đầu tiên GDP quý tăng trưởng âm từ khi Việt Nam tính toán chỉ số này. COVID-19 còn giáng đòn nặng vào “sức khỏe” từng doanh nghiệp và sinh kế từng người lao động, tỷ lệ người thất nghiệp lên cao nhất trong 10 năm.

Nhịp sống xã hội bị đảo lộn vì dịch bệnh. Ngành du lịch đóng băng. Những ngành nghề vui chơi giải trí “thoi thóp”. Học sinh, sinh viên miễn cưỡng có một “kỳ nghỉ hè bất tận”. Năm 2021, phần lớn trong số 22 triệu học sinh, sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng, nghỉ hè 3 tháng và học online 7 tháng còn lại.

Cả đất nước đã đứng lên, đồng lòng tham gia “cuộc kháng chiến” chống COVID-19. Đất nước thực hiện cuộc điều động quy mô lớn nhất sau chiến tranh với hơn 300 ngàn lượt cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội, công an... vào Nam hỗ trợ chống dịch. Từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 chậm, chiến lược ngoại giao vaccine đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều. Với quy mô toàn quốc và tốc độ quyết liệt, mạng lưới tiêm chủng đã được hình thành với 15 ngàn điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... tham gia. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều, chúng ta đã trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nhiều biện pháp lần đầu được Việt Nam áp dụng trong lịch sử như giãn cách xã hội hàng loạt tỉnh, thành; xét nghiệm toàn TP; mở hàng loạt bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức; huy động tình nguyện viên và F0 khỏi bệnh tham gia phòng chống dịch… Đất nước đã vượt qua giai đoạn đen tối với sự đoàn kết, sự hy sinh của người dân, lực lượng y tế, lực lượng chức năng lớn không kể xiết.

***

Những ngày cuối năm 2021, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ biến thể mới Omicron xâm nhập không thể loại trừ và biến thể này vẫn còn là một ẩn số. Nhưng với việc toàn dân đã được tiêm vaccine, với chủ trương không theo đuổi “zero COVID” như giai đoạn trước; với chiến lược “sống chung COVID-19”, đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; cuộc sống ở khắp mọi nơi đã bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Dù trải qua mất mát, đau thương, nhưng chúng ta đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Và nhìn ở một số khía cạnh, đất nước đã biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành cơ hội.

COVID-19 đã là cơ hội để nhiều ngành nghề đổi mới, cách vận hành xã hội đổi mới, theo phương thức ứng dụng khoa học 4.0, cải thiện mặt bằng trình độ công nghệ của người dân và cán bộ cả nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”.

Phát huy thế mạnh của ngành nông nghiệp, sự kiên cường dẻo dai của các ngành sản xuất, ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2021 đạt mức kỷ lục chạm mức 660 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Dòng người hồi hương rời khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đã lần lượt dần quay trở lại nơi làm việc. Không chỉ bàn chuyện phòng chống dịch, cả xã hội, cả hệ thống chính trị đã, đang bàn bạc tính toán thực hiện những phương án hỗ trợ người bị ảnh hưởng thu nhập vì dịch bệnh, những gia đình có người qua đời vì COVID-19, những trẻ em mồ côi hậu đại dịch… Không chỉ lo cho bản thân mình, cho hiện tại; chúng ta còn phải sống, phải làm trọn vẹn những việc mà người không may mắn còn đang làm dang dở.

Tạm biệt 2021 nhiều biến động, bước vào năm mới 2022, chúng ta lại nhớ đến lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ khẳng định dân tộc Việt đã gan góc chống lại mọi thế lực ngoại xâm và phải có quyền hưởng tự do, độc lập.

Trong “cuộc kháng chiến” chống COVID-19 năm 2021, cả dân tộc đã một lần nữa gan góc chống “giặc” dịch bệnh, đã hết mình chiến đấu với khát vọng ngày mai bình yên, đã chiến thắng, nên nhất định phải được hưởng bình yên.

Đọc thêm